Omanco Việt Nam – nhà thầu cung cấp than ‘khủng’ cho Vicem
Dù có phần kín tiếng, song Omanco Việt Nam nắm trong tay nhiều gói thầu cung cấp than cho các công ty thành viên của Vicem.
Thông thường, để sản xuất 1 tấn xi măng, các nhà máy cần 1,1 tấn đá vôi, 0,3 tấn đất sét, 0,12 tấn than, 0,03 tấn thạch cao và 100 kWh điện. Cơ cấu này có thể dao động tùy thuộc vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất của mỗi nhà máy, tuy nhiên đây là mức tiêu hao nguyên vật liệu phổ biến hiện nay trong ngành.
Nếu xét theo tỷ trọng chi phí, than là nguyên vật liệu đắt đỏ nhất (chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất), tiếp sau đó là đá vôi, đất sét (12%) và phụ gia (5%)….
Vì lẽ đó, các đơn vị thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) qua các năm sẽ chi hàng trăm tỷ đồng để mua than phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hình thức đấu thầu. Một trong những nhà cấp than đáng chú ý là Công ty TNHH Nguyên liệu Omanco Việt Nam.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Omanco Việt Nam thành lập vào ngày 14/5/2015, đóng trụ sở tại số nhà 38, lô TT3A, dự án khu phố 3, 4, phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Dù có phần kín tiếng, song Omanco Việt Nam nắm trong tay nhiều gói thầu cung cấp than cho các công ty thành viên của Vicem.
Cụ thể, tại gói thầu Cung cấp than cám phục vụ sản xuất 1 (tháng 6/2019) cho CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, Omanco Việt Nam trúng thầu với giá trúng hơn 184 tỷ đồng (thấp hơn 0,4% so với giá gói thầu); Hay, ở gói thầu Cung cấp than cám 4a.1 (tháng 5/2019) của Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Omanco Việt Nam là bên trúng thầu với giá trúng là 225 tỷ đồng (thấp hơn 5,18% so với giá gói thầu).
Ngoài ra, Omanco Việt Nam sở hữu một số gói thầu khác như: Mua sắm phụ gia trợ nghiền năm 2019 (giá trúng thầu 29,6 tỷ) cho CTCP Xi măng Bỉm Sơn; Cung cấp đất giàu sắt (laterite) phục vụ sản xuất (giá trúng 20,2 tỷ) và Cung cấp đá silic đen phục vụ sản xuất cho CTCP Xi măng Hạ Long; Cung cấp vật tư công nghệ phục vụ sản xuất cho CTCP xi măng Vicem Bút Sơn;…. Đáng chú ý, Omanco Việt Nam hiện cũng là một trong các đại lý của Vicem Bút Sơn.
Bên cạnh đó, Omanco Việt Nam còn nắm cổ phần một số doanh nghiệp xi măng, như: 6,81% vốn CTCP Xi măng X18 (tính đến tháng 5/2020); 19,39% vốn CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (HoSE: QNC).
Omanco Việt Nam của ai?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, Người đại diện theo pháp luật Omanco Việt Nam là bà Trần Thị Thu Thủy (SN 1969). Bà Thủy cũng đồng thời là chủ sở hữu công ty (tính đến tháng 12/2017). Trong khi đó, vị trí Giám đốc do bà Lưu Thị Thu Ngà (SN 1985) nắm.
Tìm hiểu cho thấy, hộ khẩu thường trú hiện tại của bà Trần Thị Thu Thủy là trụ sở cũ Công ty TNHH Đầu tư Vawaz Việt Nam (phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình).
Vawaz Việt Nam thành lập vào ngày 10/3/2015, tên ban đầu là Công ty TNHH Tô Tây, hiện đóng trụ sở tại thôn Trung Tiến, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Lĩnh vực kinh doanh chính là bán buôn vật liệu xây dựng.
Vào thời điểm mới thành lập, công ty có vốn điều lệ 15 tỷ đồng và được nắm 100% bởi ông Tô Ngọc Hoàng (SN 1986). Đến hết năm 2019, vốn điều lệ công ty tăng lên 99 tỷ đồng, chủ sở hữu 100% được chuyển sang bà Hoàng Thị Hải Yến (SN 1995).
Dù không nắm vốn công ty, nhưng ông Tô Ngọc Hoàng vẫn là Người đại diện theo pháp luật/Giám đốc Đầu tư Vawaz Việt Nam.
Lưu ý rằng, Đầu tư Vawaz Việt Nam tính đến tháng 6/2020 là cổ đông nắm 7,49% QNC. Trong khi đó, cá nhân ông Tô Ngọc Hoàng cũng vừa là Thành viên HĐQT QNC, vừa nắm 3,98% vốn QNC.
Tính ra, nhóm các cổ đông có liên hệ tới Vawaz Việt Nam đã nắm 30,86% vốn QNC.
Giống Omanco Việt Nam, Đầu tư Vawaz Việt Nam cũng là bên cung cấp than cho các doanh nghiệp thuộc Vicem, như: Cung cấp than cám phục vụ sản xuất (tháng 10/2020) và Cung cấp thạch cao phục vụ sản xuất xi măng (tháng 1/2020) cho CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn; Mua sắm thạch cao gói số 2 năm 2020 (tháng 4/2020) cho CTCP Xi măng Bỉm Sơn; Cung cấp thạch cao thiên nhiên Oman phục vụ sản xuất năm 2020 (tháng 4/2020) cho Công ty TNHH MTV Xi măng Hạ Long.
Omanco Việt Nam và Đầu tư Vawaz Việt Nam làm ăn ra sao?
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, tình hình tài chính của Omanco Việt Nam khá tích cực. Tính riêng năm 2019, doanh thu công ty mẹ đạt 3.249 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần so với năm 2016. Tính ra, doanh thu giai đoạn 2016 – 2019 tăng trưởng bình quân tới 112%/năm.
Dù doanh thu tăng nhanh và đạt giá trị hàng nghìn tỷ đồng, song hiệu quả hoạt động lại một vấn đề với Omanco Việt Nam khi doanh nghiệp này (công ty mẹ) chỉ báo lãi thuần vỏn vẹn 1,9 tỷ đồng năm 2019, trong khi 3 năm trước đó đều thua lỗ.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Omanco Việt Nam tới cuối năm 2019 đạt 759 tỷ đồng, tăng trưởng 0,9% so với số đầu kỳ. Trong đó, cấu thành chủ yếu tài sản là nợ phải trả 672 tỷ (chiếm 88,5%).
Tương tự, tình hình tài chính của Đầu tư Vawaz Việt Nam cũng có những tăng trưởng nhất định. Tính riêng năm 2019, doanh thu đạt 2.494 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 4 năm trở lại.
Trừ đi chi phí, lãi thuần công ty chỉ còn 5,4 tỷ đồng. Dù vậy, đây cũng là con số cao nhất của Đầu tư Vawaz Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Đầu tư Vawaz Việt Nam đạt 939,5 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 15% so với số đầu kỳ. Trong đó, cấu thành chủ yếu tài sản là nợ phải trả 845,4 tỷ (chiếm gần 90%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận