Olympic Bắc Kinh 2022 có thể không mang lại lợi ích như kỳ vọng cho Trung Quốc?
Trang mạng profile.ru có bài viết nhận định rằng Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 (Olympic Bắc Kinh 2022) khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 4/2, trùng với cao điểm của tuần nghỉ lễ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.
Trong dịp Tết Nguyên Đán, người Trung Quốc thường về quê, thăm họ hàng và dành thời gian ngồi trước tivi xem chương trình giải trí. Xem các sự kiện thể thao chưa bao giờ là một thói quen truyền thống trong dịp Năm Mới của người Trung Quốc. Không chắc rằng Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ thay đổi điều đó. Không giống như Thế vận hội mùa Hè Bắc Kinh năm 2008, sự kiện lần này được đánh giá là không đem lại lợi ích lớn cho bất kỳ ai, kể cả nước tổ chức lẫn thế giới.
Tại sao Trung Quốc muốn tổ chức thêm một Thế vận hội?
Quyết định đăng cai Thế vận hội mùa đông lần thứ 24 tại thủ đô của Trung Quốc được đưa ra vào tháng 7/2015, giữa nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình và một năm rưỡi sau khi ông khởi động sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đầy tham vọng. Đáng chú ý, đối thủ cạnh tranh duy nhất của Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh giành quyền đăng cai tổ chức kỳ Thế vận hội này là thành phố Alma-Ata của Kazakhstan.
Tổ chức Thế vận hội là một cách để nâng cao uy tín quốc gia, một trong những tham số kinh điển của thời đại ngày nay. Điều này không chỉ được khẳng định bằng câu nói nổi tiếng của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: “Uy tín của nhà nước được đo bằng số lượng tên lửa hạt nhân và huy chương vàng Olympic”. Ở một mức độ lớn hơn nữa, Thế vận hội còn quan trọng như một nơi giới thiệu những thành công của một quốc gia cụ thể. Chúng ta có thể thấy các ví dụ như Berlin-1936, Tokyo-1964, Moskva-1980, và Bắc Kinh-2008, Sochi-2014.
Thật vậy, Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 là một thời khắc chiến thắng thực sự đối với Trung Quốc sau cải cách. Mọi người còn nhớ chương trình khai mạc hoành tráng kéo dài 4 tiếng đồng hồ do đạo diễn điện ảnh huyền thoại Trương Nghệ Mưu dàn dựng. Mọi người đều ấn tượng trước thành công của thể thao Trung Quốc - lần đầu tiên trong lịch sử, người Trung Quốc giành được nhiều huy chương vàng nhất thế giới.
Ông Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo mới lúc đó cần một “màn trình diễn thành công” của riêng mình. Và đơn giản là không có cách nào tốt hơn là tổ chức một “đại hội thể thao” hoành tráng. Hơn nữa, chưa có quốc gia nào từng tổ chức Thế vận hội Mùa Đông và Mùa Hè ở cùng một thành phố.
Trong trường hợp của Olympic Bắc Kinh 2022, khái niệm “một thành phố” có vẻ hơi gượng ép. Đồng bằng và các cụm núi (Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu) cách nhau một khoảng cách đáng kể. Điều này cũng tương tự như trường hợp của khu nghỉ mát Imereti và Krasnaya Polyana ở Sochi, nhưng khoảng cách giữa hai địa điểm này chỉ là 42 km, nhưng ở Olympic Bắc Kinh 2022 – khoảng cách giữa hai địa điểm thi đấu chính cách nhau 174 km.
Một năm trước, Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu với tốc độ tối đa 350 km/h. Và đây chỉ là một trong những điều kỳ diệu về cơ sở hạ tầng mà giới chức Trung Quốc chuẩn bị cho các nhà quan sát nước ngoài đến Bắc Kinh.
Trong 14 năm trôi qua kể từ Thế vận hội mùa Hè, Trung Quốc thực sự đã đạt được những tiến bộ chưa từng có trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn. Giờ đây, chính Trung Quốc là “đất nước của tương lai”, nơi mà những người đến thăm có thể hình dung được cuộc sống của họ sẽ như thế nào trong những năm tới. Điều này đặc biệt đúng đối với sự tiện lợi của thanh toán điện tử, sự tích hợp của robot vào cuộc sống hàng ngày.
Nhìn chung, các nhà chức trách kỳ vọng rằng Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ mang lại uy tín cho đất nước hơn cả Olympic Bắc Kinh 2008, và tiếp thêm sinh khí cho những nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra. Hay đúng hơn, mọi chuyện đã không diễn ra theo cách mà người ta tính toán trước đó.
Giữa năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ mạnh và đầu tư vào các nước láng giềng giảm đáng kể, do đó, giờ đây dư luận thường chỉ tập trung vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) tham vọng. Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào một cuộc chiến thương mại, và sau đó căng thẳng leo thang thành một cuộc đối đầu toàn cầu giữa hai siêu cường. Cuối cùng, vào tháng 12/2019, một đại dịch mang tên COVID-19 đã xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, với nhiều biến thể khác nhau, cho đến nay đã lây nhiễm cho hơn 300 triệu người và chưa dừng lại.
Thế vận hội COVID-19 thứ hai
Olympic Bắc Kinh 2022 vẫn còn may mắn hơn Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020, vốn bị hoãn lại 1 năm do tình hình dịch bệnh khó lường. Lần này, các cuộc thi đấu được kỳ vọng sẽ diễn ra đúng theo kế hoạch.
Do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, làn sóng hủy bỏ các cuộc thi đấu trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 (Giải vô địch khúc côn cầu trên băng dành cho thanh niên, Thế vận hội sinh viên mùa Đông, các trận đấu của Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Giải khúc côn cầu lục địa) khiến cho tình hình không diễn biến theo hướng tích cực. Mặc dù vậy, người ta vẫn hy vọng rằng Trung Quốc, với chính sách “Không COVID-19" (Zero COVID) và một quy trình phòng dịch nghiêm ngặt cho những người tham gia sự kiện, sẽ có thể đảo ngược xu hướng tiêu cực và tổ chức Thế vận hội một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, cũng như ở Tokyo, Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ không thể là một Thế vận hội bình thường như cách mà người ta đã mong muốn thấy vào thời điểm Trung Quốc nộp đơn đăng ký tổ chức sự kiện. Do nguy cơ lây nhiễm COVID-19, chỉ có các vận động viên và quan chức mới được phép tham gia sự kiện. Hơn nữa, khi đã đến Trung Quốc, họ sẽ không thể rời khỏi nơi gọi là "khu vực vô trùng" trong toàn bộ giải đấu. Như ở Tokyo, người hâm mộ nước ngoài sẽ không thể đến Olympic Bắc Kinh 2022 ngay cả khi họ chấp nhận tuân thủ các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc (14 ngày cách ly trong khách sạn đặc biệt, 7 ngày dưới sự giám sát y tế và thêm 7 ngày tự cách ly).
Hơn nữa, chưa đầy một tháng trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 bắt đầu, ban tổ chức đã thông báo rằng vé sẽ không được bán nữa mà sẽ được phân phối cho những công dân đáng tin cậy, những người “có thể tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19 trước, trong và sau mỗi sự kiện”. Liệu những người nước ngoài thường trú tại Trung Quốc, những người đã không rời khỏi đất nước trong thời kỳ đại dịch và đã được tiêm vaccine của Trung Quốc, có rơi vào số những người may mắn này hay không, vẫn chưa được thông báo. Nhưng rõ ràng là nếu có may mắn, thì những khán giả người nước ngoài cũng chỉ là chiếm số lượng tối thiểu. Olympic Bắc Kinh 2022 đang biến thành một giải đấu dành cho khán giả trong nước, nhưng những môn thể thao này hầu như không được khán giả Trung Quốc quan tâm.
Ngay cả một phân tích hời hợt trên mạng xã hội Trung Quốc cũng cho thấy xã hội thực tế không quan tâm đến chủ đề Thế vận hội. Tại sự kiện này, người Trung Quốc chỉ quan tâm đến môn "Short track" (trượt băng tốc độ cự ly ngắn). Môn thể thao này, theo truyền thống, được thống trị bởi người châu Á, chủ yếu là người Hàn Quốc, nhưng người Trung Quốc cũng đang cố gắng để cạnh tranh với họ. Trong số 12 huy chương vàng mà người Trung Quốc giành được trong lịch sử Thế vận hội mùa Đông, có 10 huy chương đến từ môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn.
Hiện nay, người dân Trung Quốc chỉ theo dõi những cuộc thi mà họ có cơ hội thành công. Việc khiến họ say mê những môn thể thao khó hiểu, tốn kém và đồng thời đòi hỏi những điều kiện đặc biệt như xe trượt băng hay khúc côn cầu lại càng khó hơn.
Thế vận hội bị phương Tây “tẩy chay”
Một đòn khác giáng vào giá trị của kỳ Thế vận hội này đến từ Washington và các đồng minh. Ngày 6/12/2021, Nhà Trắng thông báo rằng đại diện của Mỹ tại Bắc Kinh sẽ bị hạn chế. Ít lâu sau, các nước phương Tây “tiếp bước”, vì lý do này hay lý do khác, họ đều nói không đối với Trung Quốc. Đó là các quốc gia Anh, Australia, Canada và New Zealand. Tiếp theo, có các quốc gia Bỉ, Kosovo và cả Lithuania, quốc gia hiện đang tự định vị mình là chiến binh chủ lực nhất trên mặt trận chống Trung Quốc ở châu Âu.
Giờ đây, các nước không còn cấm vận động viên tham dự Thế vận hội. Thực tế của Nga cho thấy có nhiều cách để vượt qua lệnh cấm đối với Ủy ban Olympic của một quốc gia, vì vậy các biện pháp tương tự chỉ mang đến tác dụng ngược lại. Do đó, một biện pháp mới của phương Tây là “tẩy chay ngoại giao”. Các quốc gia chính thức từ chối cử các chính khách làm khách mời danh dự đến một hoặc một số sự kiện long trọng khác liên quan đến Thế vận hội. Trên thực tế, không có gì thay đổi từ một cuộc tẩy chay như vậy. Bất kỳ ai trong số các quan chức có mặt tại lễ khai mạc và bế mạc trước đây đều chỉ quan tâm đến các nghi thức quốc tế. Điều này không ảnh hưởng đến quá trình diễn ra các cuộc thi đấu.
Tại Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020, người ta có thể nói rằng cái cớ cho việc ít quan chức ngoại giao tham dự sự kiện là vì đại dịch COVID-19. Giờ đây, đại dịch vẫn hiện hữu. Vì vậy, nếu muốn, giới chức Bắc Kinh có thể “phớt lờ” hành động của phương Tây và không gây sự chú ý chung về vấn đề này. Tuy nhiên, đáp lại động thái “tẩy chay ngoại giao” của một số nước, Trung Quốc tuyên bố rằng “bạn vẫn chưa được mời”.
Vào thời cổ đại, Thế vận hội đã trở thành một dịp để các quốc gia đang chiến tranh có thể hòa giải. Trong thời đại của chúng ta, các giới luật của Pierre de Coubertin chỉ được lưu giữ trên các trang sách quảng cáo. Và Thế vận hội đã trở thành một công cụ gây áp lực chính sách đối ngoại và là nguồn gốc của những vụ bê bối liên miên. Và dường như sự đoàn kết cũng không còn nữa, mà là các dân tộc và đất nước tách rời nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận