OECD đề xuất Brazil thống nhất các loại thuế tiêu dùng thành một
Báo cáo của OECD đề xuất Brazil giảm bớt các rào cản thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh, thống nhất các loại thuế tiêu dùng thành một loại thuế giá trị gia tăng duy nhất.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trong báo cáo công bố ngày 14/4, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khuyến nghị Brazil tăng cường cải cách hệ thống thuế và các chương trình xã hội nhằm khôi phục tốc độ phát triển kinh tế của nước này.
Báo cáo có tựa đề "Hướng tới tăng trưởng 2021: Định hình sự phục hồi kinh tế", trong đó OECD nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh "tính cấp bách" của việc giải quyết các thách thức về chính sách cơ cấu trong dài hạn đối với các nền kinh tế. Do vậy, Brazil cần phải tăng năng suất để duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng bằng việc thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người dân.
Các chuyên gia của OECD khuyến nghị nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này thúc đẩy các chương trình bảo trợ xã hội thông qua cải cách, trong đó cần phải xem xét toàn diện tính hiệu quả mà các chương trình này mang lại.
Tổ chức trên lưu ý việc cải cách những chương trình trên có thể được thực hiện dựa trên kinh nghiệm từ chương trình trợ cấp khẩn cấp dành cho người lao động phi chính thức mà Chính phủ Brazil triển khai trong thời gian qua.
Báo cáo của OECD cũng đề xuất giảm bớt các rào cản thương mại và hạn chế tình trạng quan liêu để cải thiện môi trường kinh doanh, cùng với đó là thống nhất các loại thuế tiêu dùng thành một loại thuế giá trị gia tăng duy nhất.
Báo cáo nhấn mạnh hệ thống thuế phức tạp sẽ ảnh hưởng tới các biện pháp khuyến khích nhằm cải thiện năng suất đồng thời làm tăng chi chí của các doanh nghiệp.
Theo báo cáo trên, về lâu dài, giải pháp để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói là cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo nghề. Báo cáo nhận định việc tiếp cận giáo dục tại Brazil đã được cải thiện trong những thập kỷ gần đây, tuy nhiên chất lượng giáo dục tại quốc gia Nam Mỹ này không đồng đều giữa các địa phương, trong khi tỷ lệ học sinh bỏ học ở mức cao.
OECD cho rằng việc đẩy mạnh giáo dục mầm non sẽ mang lại lợi ích to lớn cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp, đồng thời mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho phụ nữ.
Tổ chức này nhấn mạnh việc cải thiện quy trình tuyển chọn và đào tạo giáo viên sẽ tạo ra hiệu quả tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và xa hơn là thúc đẩy sự gia tăng năng suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận