Ô tô và phụ trợ, chọn trứng trước hay gà trước?
Công nghiệp ôtô Việt Nam và công nghiệp hỗ trợ đang khá vòng luẩn quẩn giữa việc ngành này phải phát triển thì mới kéo theo ngành kia, ngược lại ngành kia không phát triển thì ngành này cũng không phát triển được. Chọn cách nào?
Để giải quyết vấn đề này, có 2 hướng tiếp cận:
Hướng thứ nhất, ngành công nghiệp sản xuất ôtô giữ vai trò là người dẫn đường, tập trung nguồn lực thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô để mở rộng quy mô thị trường, từ đó phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Hướng thứ hai, ngành công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò là người dẫn đường, thu hút sự tham gia của dòng vốn đầu tư, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô cũng như các ngành lắp ráp khác phát triển.
Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, vốn vay ưu đãi cho các nhà sản xuất ôtô đang được áp dụng phổ biến hiện nay đi theo hướng tiếp cận thứ nhất.
Thái Lan là mô hình thành công về phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng đã áp dụng mô hình này từ những ngày đầu phát triển.
Tuy nhiên song song với đó, Thái Lan cũng thực hiện hàng loạt các chính sách theo hướng tiếp cận thứ 2, tuy ít được nhắc đến nhưng là hai mặt của một vấn đề mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng.
Đó là các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, mà cụ thể hơn là các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ có doanh thu xuất khẩu tối thiểu 80%.
Tư duy của chính sách này là ngành công nghiệp hỗ trợ không cần phải chờ quy mô thị trường nội địa phát triển mới mở rộng, nếu nhu cầu của ngành công nghiệp ôtô trong nước chưa đủ để mang lại hiệu quả, thì hãy mở rộng quy mô thị trường bằng cách xuất khẩu trước, tận dụng thế mạnh công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài để cải thiện công nghệ trong nước, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu từ Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu trong khi chờ đợi ngành công nghiệp lắp ráp trong nước lớn mạnh.
Cụ thể, Bộ Đầu tư Thái Lan cử chuyên gia sang Nhật Bản để thành lập tổ chức kết nối các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ của Nhật, có tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tư vấn, để mời gọi đầu tư, để lôi kéo các doanh nghiệp này về đầu tư ở Thái Lan.
Thành lập Tổ chức phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trực thuộc Bộ đầu tư để xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị, phụ tùng, sản phẩm cụ thể mà họ cung cấp và làm cầu nối giữa doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp phụ trợ.
Lập danh sách các lĩnh vực cụ thể được ưu tiên trong nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ôtô. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó phân theo 3 nhóm thứ tự ưu tiên, nhóm thứ 1 được ưu đãi 100% thuế nhập khẩu, nhóm 2 và 3 hỗ trợ 50%. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm.
Thời gian đầu các doanh nghiệp này phải đảm bảo tỷ trọng xuất khẩu tối thiểu 80% doanh thu. Sau khi thị trường trong nước mở rộng thì tuỳ theo nhu cầu thị trường mà rào cản này được dỡ bỏ để các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia cung cấp cho thị trường trong nước.
Việt Nam hiện tại có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất chung chung và chưa hướng vào một mục tiêu hoặc một đối tượng cụ thể, thì hiệu quả khó đạt được.
Trong trường hợp áp dụng mô hình này, tỷ trọng xuất khẩu tối thiểu và các mức ưu đãi có thể được tính toán lại cho phù hợp với đặc điểm kinh tế Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận