Ô tô điện đang tăng tốc, tương lai doanh nghiệp xăng dầu sẽ ra sao?
Thị trường ô tô điện tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và được đánh giá rất nhiều tiềm năng, còn nhiều dư địa để phát triển. Điều này khiến các trạm sạc xe điện trở nên quan trọng hơn so với các cây xăng.
Theo kết quả khảo sát do một diễn đàn lớn về ô tô tại Việt Nam thực hiện với những người đã và đang tìm hiểu sâu về ô tô điện, có tới hơn 45% chắc chắn chọn mua ô tô điện trong 12 tháng tới. Kết quả này cho thấy thấy sự đón nhận mạnh mẽ của người tiêu dùng với ô tô điện nói chung, và tiềm năng to lớn của thị trường ô tô điện tại Việt Nam nói riêng.
Làn sóng chuyển đổi xe xăng sang xe điện
Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị trường ôtô điện cũng sôi động, với doanh số bán năm ngoái của các hãng tăng gần 115% so với cùng kỳ, đạt khoảng 18.000 chiếc.
Theo thông tin từ VinFast, trong quý II/2024, hãng xe này đã giao 13.172 xe, tăng 44% so với quý I và tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tổng số lượng xe được giao trong nửa đầu năm 2024 lên 22.348 xe, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo hãng xe VinFast, số lượng xe điện bán ra tăng cao là do làn sóng chuyển đổi sang xe điện đang tăng mạnh tại thị trường Việt Nam.
Làn sóng chuyển đổi sang xe điện đang tăng mạnh tại thị trường Việt Nam.
Cuộc chơi xe điện tại Việt Nam có thể thấy đang ngày càng rất hấp dẫn với sự góp mặt của rất nhiều tên tuổi lớn, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành ô tô Việt Nam.
Bên cạnh VinFast đang chiếm lĩnh thị trường xe điện với dải sản phẩm đa dạng và hạ tầng trạm sạc trải dài khắp cả nước, các hãng xe khác cũng đang chạy đua để không nằm ngoài xu hướng này như: Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV), TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV)…
Hiện rất nhiều hãng xe ô tô điện của các nước đang “nhòm ngó” Việt Nam, trong đó các hãng xe đến từ Trung Quốc đánh giá Việt Nam rất nhiều tiềm năng để khai thác.
Hiện ít nhất 5 thương hiệu ô tô điện Trung Quốc đến Việt Nam để tìm cơ hội bằng cách hợp tác liên doanh với công ty tại Việt Nam để triển khai kế hoạch phân phối các phân khúc từ xe mini đến xe SUV, MPV. Điển hình như: Liên doanh SGMW (General Motors - SAIC Motor - Wuling Motors) hợp tác với TMT Motor; Haima với Carvivu; Chery liên doanh với Tập đoàn Geleximco…
Sự phát triển của xe điện (EV) cũng được kỳ vọng sẽ bùng nổ, bởi Chính phủ và các doanh nghiệp lớn như VinFast đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng sạc điện và sản xuất pin - một yếu tố then chốt trong cuộc đua xe điện.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua về hạ tầng trạm, đặc biệt, nhờ sự đầu tư quyết liệt của VinFast, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới. Chỉ tính riêng trạm sạc của VinFast, theo quy hoạch, cả nước có khoảng 150.000 cổng sạc phủ khắp 63 tỉnh thành.
Thậm chí, theo thống kê, mật độ trạm sạc của hãng xe Việt còn tốt hơn nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ và Hàn Quốc.
Các 'ông lớn' xăng dầu ứng phó ra sao?
Theo nhận định các chuyên gia, làn sóng chuyển dịch từ xe xăng sang xe điện vẫn sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bởi Chính phủ đang ban hành thêm chính sách ưu đãi cho ô tô nội địa, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển xe điện.
Tại dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt ra định hướng giai đoạn 2031-2045 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới...
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1- 1,1 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18-22%.
Đến năm 2045, tổng lượng xe đạt 5-5,7 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác đạt 4,3-4,4 triệu chiếc, chiếm khoảng 80-85%.
Mặc dù thời điểm này xe điện chưa phải là rủi ro lớn cho thị trường xăng dầu, song với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây khiến các "ông lớn" xăng dầu lo ngại xu hướng này sẽ ảnh hưởng và cạnh tranh với các đơn vị bán nhiên liệu trong nước từ sau 2030. Vì vậy, các doanh nghiệp này đang tìm cách ứng phó.
Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nói: "PVOIL thuê tư vấn trong và ngoài nước để thích ứng vấn đề này".
Để chuẩn bị cho việc này, PVOIL-chiếm gần 30% thị phần trong nước cho biết sẽ tập trung phát triển các dịch vụ phi xăng dầu (non-oil). Theo đó, công ty hợp tác với nhiều đối tác để tích hợp các dịch vụ tiện ích về thức ăn nhanh, phở, cà phê hay rửa xe, sửa ôtô, xe máy... Họ cũng hướng đến và hợp tác với đối tác Singapore thu gom dầu ăn qua sử dụng của nhà dân, bếp ăn công nghiệp để xuất sang nước này.
Ngoài phát triển các dịch vụ non-oil, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tìm cách bắt tay với nhà sản xuất xe điện. Từ tháng 7/2022, PVOIL đã hợp tác với VinFast phát triển các trạm sạc để tận dụng cơ hội xe điện mang lại. Đến nay hơn 322 cửa hàng xăng dầu thuộc doanh nghiệp này có trạm sạc xe điện.
"Có cửa hàng thu lợi nhuận từ hợp tác mở trạm sạc bằng mức lãi đơn vị bán 300 m3 xăng dầu một tháng", Chủ tịch PVOIL nói trong cuộc gặp các nhà đầu tư hồi cuối tháng 4.
Tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - "ông lớn" chiếm hơn 50% thị phần cho biết sẽ chuyển hướng chiến lược cung cấp nhiên liệu xanh. Năm 2030, tập đoàn đặt mục tiêu có 50% doanh thu từ các sản phẩm này và tăng lên 100% vào 2045. Đồng thời, họ nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển thị trường trạm sạc và các dịch vụ gia tăng.
Không chỉ các "ông lớn" nhiều doanh nghiệp xăng dầu quy mô nhỏ cũng cho biết mục tiêu của họ là trở thành "người linh hoạt", thu hút cả khách hàng sử dụng xe xăng và xe điện.
Tuy nhiên, đối với nhiều trạm xăng, chi phí của một bộ sạc xe điện quá lớn, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó. "Bản thân bộ sạc xe điện có giá lên tới hàng chục nghìn USD. Đây là một khoản chi lớn với các doanh nghiệp nhỏ. Chi phí tổng thể có thể cao hơn vì việc lắp đặt thường bao gồm những công đoạn khác như khoan qua đường nhựa và đặt hệ thống dây điện…", giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Tĩnh chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận