menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thục Quyên

Ô tô, dệt may “khó ăn” cuối năm

Thuận buồm xuôi gió trong những tháng đầu năm, song các doanh nghiệp ô tô và dệt may hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều thử thách ở nửa cuối năm đối với ngành ô tô

Nửa đầu năm nay, doanh số của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tăng 32% so với cùng kỳ, đạt 135.606 chiếc.

Lượng xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu lần lượt tăng trưởng 29% và 59%. Trong đó, xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia lần lượt tăng 126% và 41% trong bối cảnh các hãng xe tại Thái Lan và Indonesia giảm giá bán để thanh lý hàng tồn kho.

Theo thị phần, thị trường tiếp tục được thống trị bởi Thaco (27,9%) và Huyndai (18,3%). Toyota Vios không còn là mẫu xe ưa thích của người mua khiến thị phần Toyota giảm 2,1%, còn 15,8%. Ngược lại, Vinfast Fadil và Mitsubishi Xpander ngày càng phổ biến giúp Vinfast và Mitsubishi nâng thị phần lên 8,6% và 8%.

Tuy nhiên, dịch Covid tái bùng phát đã khiến người dân hạn chế chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu như ô tô. Lực cầu yếu trong tháng 5 và tháng 6 khiến lượng xe tồn kho tăng nhanh từ 18.034 chiếc từ cuối quý I/2021 lên 56.668 chiếc vào cuối quý II/2021.

Ô tô, dệt may “khó ăn” cuối năm

Cung cầu trên thị trường ô tô Việt Nam. Nguồn: VAMA, Tổng cục Hải quan, VDSC

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành ô tô đối mặt với nhiều thử thách trong nửa cuối năm nay khi chi phí sản xuất của ngành vẫn duy trì ở mức cao do thiếu chip bán dẫn khi các nhà máy sản xuất chip chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang chip dùng cho thiết bị điện tử (có nhu cầu cao hơn), đồng thời giá thép và chi phí vận chuyển vẫn còn đắt đỏ.

Chính phủ hiện chưa ban hành thêm chính sách mới để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô. Sau khi Nghị định 70/2020/NĐ-CP (về giảm 50% lệ phí trước bạ) hết hạn cuối năm 2020, VAMA đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính về gia hạn Nghị định 70/2020/NĐ-CP, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với các linh kiện sản xuất trong nước và ưu đãi các dòng xe dung tích nhỏ, thân thiện môi trường.

Phía Bộ Tài chính cho rằng, các chính sách trong quá khứ và những chính sách mới ban hành năm 2020 (Nghị định số 41, 57, 109) và Nghị định 52/2021 đã phần nào hỗ trợ ngành ô tô trong giai đoạn khó khăn. Do đó, không có chính sách mới được phê duyệt.

Hiện tại, Chính phủ đang xem xét lại giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, sản xuất trong nước để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, qua đó thúc đẩy nguồn cầu với các mẫu xe sản xuất trong nước.

Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm đối với ô tô điện. Qua đó, giúp tạo động lực tăng trưởng cho những công ty phát triển xe điện như Vinfast.

Doanh số bán hàng sẽ bị ảnh hưởng khi dịch bệnh đang làm tê liệt hoạt động kinh tế của các tỉnh thành phía Nam.

Kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2021 sẽ không thực sự tích cực. Các nhà sản xuất đối diện với việc biên lợi nhuận gộp có thể sụt giảm do hạ giá bán để kích cầu trong khi giá vốn khó giảm và sản lượng bán hàng không cao.

Với các hãng xe sang, VDSC dự kiến hành vi tiêu dùng của nhóm khách hàng tiềm năng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi giá trị chiếc xe tương đương một phần nhỏ trong tổng tài sản của các khách hàng giàu có, khác với nhóm khách hàng của các hãng xe phổ thông.

Ngoài ra, hằng năm các hãng xe sang sản xuất lượng xe ít hơn so với các hãng xe phổ thông nên trước tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn, các hãng xe sang bị tác động ít hơn. Đặc biệt một vài công ty đã dự trữ chip từ trước như Daimler, hãng sản xuất xe Mercedes-Benz.

Dệt may đối mặt với nhiều sóng gió

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tổng doanh thu trong quý II/2021 của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 22,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ nhu cầu phục hồi mạnh từ thị trường Mỹ và EU. Nhờ đó, tổng doanh thu nửa đầu năm của các công ty dệt may niêm yết tăng 7,3%.

Trong đó, TNG và GIL đều ghi nhận mức tăng trưởng cao về doanh thu trong 2 quý đầu năm, tăng lần lượt 28,9% và 29,5% so với cùng kỳ do doanh nghiệp nhanh chóng lấy được các đơn hàng dịch chuyển từ các nước đối thủ sang Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở khu vực miền Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp. Với kịch bản tích cực Covid-19 nhất là dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 84% kế hoạch cho năm 2021 (39 tỷ USD). Trong khi đó, đã bước sang tháng 9, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Theo Công ty Chứng khoán BSC, kim ngạch xuất khẩu của dệt may được kỳ vọng tiếp tục khả quan cuối năm nay, tuy nhiên, giãn cách xã hội tại 16 tỉnh thành miền Nam gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, chi phí logistic tăng cao là trở ngại của ngành dệt may. Chi phí vận tải bằng container đã tăng ba lần trong nửa đầu năm nay. Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM.

Việc giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam là rủi ro chính và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dệt may vì năng suất lao động giảm (phân ca làm việc, giảm thiểu số lao động,..) tăng chi phí cho doanh nghiệp (chi phí tiến hành 3 tại chỗ, chi phí kiểm dịch...).

Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc giao đơn hàng đã ký kết đúng hạn và e ngại khi ký đơn hàng mới khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hơn nữa, VITAS dự báo trong kịch dịch bệnh bản tích cực nhất, số lượng công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong những tháng cuối năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
8 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại