Ồ ạt rao bán, cho thuê khách sạn
Nhiều khách sạn ở trung tâm TPHCM đang phải rao bán, treo biển cho thuê lại hoặc đang được cải tạo, chuyển đổi công năng do số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam không được như kỳ vọng.
Đua nhau rao bán
Những cung đường được xem là “đất vàng” của ngành kinh doanh khách sạn ở TPHCM như Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Nguyễn Trung Trực… có nhiều khách sạn đang ngắc ngoải.
Trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) có hàng loạt khách sạn 2 - 3 sao đăng thông tin cho thuê. Theo khảo sát của PV, mức giá các nhân viên môi giới đưa ra là khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Các khách sạn này đã đóng cửa kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và đến nay vẫn chưa có chủ mới.
Khách sạn Anpha Boutique (đường Lê Thánh Tôn, quận 1) đã đóng cửa và dán bảng cho thuê nhiều tháng nay. Một người xưng là chủ nhà nói muốn cho thuê với giá 18.000 USD/tháng và còn có thể thương lượng. Người này nói rằng, khách sạn có 21 phòng, cơ sở vật chất còn mới nên rất thuận tiện cho việc kinh doanh.
Amore Saigon Hotel nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 cửa đóng then cài đã lâu với chi chít tấm biển cho thuê hoặc sang nhượng. Khi PV liên hệ, môi giới báo chủ nhà đổi ý không bán mà chỉ cho thuê. Giá thuê cố định, không thương lượng thêm với khách sạn 15 phòng này là 7.000 USD.
Nếu chỉ thuê phần tầng trệt để kinh doanh, giá thuê là 4.000 USD. Khách sạn Hạ Vy (trên đường Đỗ Quang Đẩu, quận 1) cách trục chính đường Bùi Viện chỉ vài bước chân rao bán đã 2 năm qua nhưng chưa ai “chốt”. Khách sạn này đang được rao bán với giá gần 100 tỷ đồng.
Trên đường Lê Thị Riêng (quận 1), khách sạn của một hệ thống hạng trung rao bán 315 tỷ đồng với 10 tầng lầu, rộng 400m2. Khách sạn ngay góc Lý Tự Trọng- Lê Anh Xuân, quận 1 có 50 phòng được rao bán 420 tỷ đồng...
Trong khi đó, khách sạn 4 sao Lavender (quận 1) từng rất đông khách nhờ vị trí ngay ngã 4 Lý Tự Trọng - Trương Định cũng đã đóng cửa sau đợt dịch COVID-19. Khách sạn này trước đại dịch là nơi lưu trú khá nổi tiếng, vì nằm ở vị trí “đất vàng”, cách chợ Bến Thành vài chục mét và rất gần phố “Tây” Bùi Viện.
Hiện tại, nơi này đang được sửa chữa, cải tạo để làm cao ốc văn phòng. Nhiều khách sạn khác trên trục đường Lê Lai (quận 1) đối diện công viên 23/9 và gần nhà ga Metro cũng được thay đổi công năng, chuyển thành văn phòng cho thuê.
Trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, chưa khi nào thông tin bán khách sạn ở quận 1 lại nhiều như lúc này. Hàng loạt khách sạn trên những tuyến đường từng thu hút đông đảo du khách nước ngoài đang được rao bán.
Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land, cho biết, trước dịch COVID-19, tìm mua khách sạn ở khu vực trung tâm quận 1 không dễ vì đang kinh doanh tốt. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng rao bán khách sạn đã tăng đột biến vì vắng du khách quốc tế.
Theo nhận định từ Nhà Tốt, lượng tin đăng rao bán khách sạn bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng từ quý III/2022 đến nay. Nguyên nhân chính là tình hình kinh doanh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.
Cần được hỗ trợ
Năm 2022, du khách nước ngoài đến Việt Nam chỉ xấp xỉ 3,5 triệu khách, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu ngành du lịch đặt ra (5 triệu khách quốc tế). Theo trang VisaGuide.World, tỷ lệ phục hồi khách du lịch quốc tế của Việt Nam chỉ đạt 18,1%, trong khi các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia đạt tỷ lệ từ 26 - 31%.
Đến đầu năm 2023, dù kinh tế tiếp tục phục hồi, du lịch có những điểm sáng mới, nhất là trong việc đón khách quốc tế nhưng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, khó khăn vẫn đang còn ở trước mắt khiến làn sóng rao bán, cho thuê khách sạn vẫn tiếp diễn.
Bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện khách sạn Wink Saigon Centre, cho rằng, dịch COVID-19 cùng sự suy thoái của kinh tế trong và sau dịch dẫn đến hàng loạt thị trường khách du lịch lớn và trọng điểm phải đóng cửa. Đồng thời, những yếu tố này cũng thay đổi hành vi khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện khách sạn A25, quận 1, cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn.
Cụ thể, trong 3 năm dịch bệnh, khách sạn A25 đã đóng cửa ít nhất 2 năm. Mở cửa trở lại khoảng 1 năm trở lại đây, cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm. Các chi phí điện, nước, vốn vay... Nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất. Chủ nhà cũng chỉ hỗ trợ tiền thuê ở mức cho phép, chi phí trả lương nhân viên ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn.
Bà Loan kiến nghị giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch cần được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ giãn nợ vay để có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, có chi phí nâng cấp ứng dụng công nghệ số.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và rất ít khả năng quay lại. Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, nhiều khách sạn đóng cửa hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận