Ồ ạt hạ giá, siêu thị điện máy vẫn điêu đứng
Các doanh nghiệp ngành bán lẻ điện máy đang chạy nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá. Tuy nhiên, lượng khách mua hàng vẫn thấp.
Hạ giá để giải phóng hàng tồn kho
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021 ngành bán lẻ điện máy gặp một năm điêu đứng. Thị trường điện máy nhộn nhịp nhất là vào tháng 1. Thời điểm đó gần Tết Nguyên đán Tân Sửu nên nhu cầu mua sắm tăng cao, hàng tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, sang tháng 2 có kỳ nghỉ Tết dài, từ đó đến hết tháng 3 do nhu cầu thấp, hàng hóa tiêu thụ chậm.
Đến cuối tháng 4 bước vào kỳ nghỉ lễ, nhu cầu mua sắm vừa khởi sắc trở lại thì dịch Covid-19 bùng phát. Từ tháng 5 kéo dài tới hết tháng 9 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành bán lẻ điện máy. Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, khiến hoạt động mua sắm bị hạn chế.
Đặc biệt từ tháng 7 đến tháng 9, nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các cửa hàng, siêu thị bắt buộc phải đóng cửa. Chuyển sang bán hàng online, nhưng không hiệu quả. Nhiều cửa hàng, siêu thị có doanh thu bằng không, nên thua lỗ.
Chỉ tính riêng chuỗi cửa hàng Thế giới Di động phải đóng hơn 400 điểm bán tại Hà Nội và Tp.HCM một tháng, thiệt hại doanh thu tương đương hơn 1.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết các chính sách hỗ trợ như giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, không có nhiều tác dụng do nhiều cửa hàng, siêu thị có doanh thu rất thấp và thua lỗ.
Gặp khó khăn, các cửa hàng, siêu thị phải đại hạ giá nhưng vẫn không bán được. Khảo sát trên thị trường điện máy thời gian qua cho thấy, nhiều mặt hàng chủ lực giảm giá mạnh. Thống kê chung, tivi giảm giá từ 30-82%, máy giặt giảm từ 20-50%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10- 45%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35- 41%,...
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường JFK, tính đến hết quý 3/2021, trên toàn quốc, mặt hàng tivi giảm 16,9% về doanh số và 9,4% về giá trị; điều hòa giảm 10,4% về doanh số, 12,2% về giá trị; tủ lạnh giảm 9,1% về doanh số, 3,9% về giá trị và máy giặt giảm 8,3% về doanh số, 5,4% về giá trị so với năm 2020.
Quý IV/2021, thị trường có khởi sắc hơn, nhưng sức mua vẫn rất thấp và ước tính cả năm ngành hàng này có tăng trưởng âm so với 2020.
Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp đang chạy nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá. Chuỗi siêu thị Pico giảm giá thêm nhiều sản phẩm đến 50%. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tài chính để kéo dài thời gian trả góp, tăng thời gian bảo hành sản phẩm... Nguyễn Kim có chương trình “đấu giá giờ vàng” với nhiều sản phẩm tủ lạnh, máy lọc nước có mức giá khởi điểm để đấu chỉ từ 200.000-600.000 đồng.
Một số doanh nghiệp điện máy khác có nguồn hàng lên đến cả ngàn sản phẩm, tổng trị giá khoảng hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chương trình giảm giá lịch sử, nhằm giải phóng hàng tồn kho.
Nguy cơ thua lỗ
Mặc dù giảm giá sốc nhưng lượng khách truy cập và mua hàng vẫn không cao khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo Giám đốc Marketing siêu thị điện máy Pico Nguyễn Quang Đức chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Từ đầu tháng 5 đến tháng 8 năm nay, sức tiêu thụ sản phẩm điện máy rất chậm. Đặc biệt, khi Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ chủ lực phải giãn cách xã hội, hệ thống siêu thị điện máy tạm dừng hoạt động đã khiến lượng hàng tồn kho tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, với số lượng lên đến hàng triệu sản phẩm.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện siêu thị điện máy Media Mart Nguyễn Đăng Quân cho biết, tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh điện máy hiện nay là dừng hoạt động nhiều siêu thị, doanh số bán giảm, hàng tồn kho tăng cao nhưng vẫn phải gánh chi phí thuê mặt bằng, nên dễ lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ.
Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em cho biết, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2021, đơn vị đã tạm đóng cửa gần 2.000 cửa hàng điện thoại, điện máy, tương đương 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc.
“Phần lớn cửa hàng đang tạm đóng cửa, hạn chế hoạt động để phòng dịch Covid-19, mặc dù công ty tăng cường bán hàng online nhưng doanh thu theo hình thức kinh doanh này trong tháng 7 chỉ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm 17% so với tháng 6, nguyên nhân là tại một số địa phương, hoạt động giao hàng bị siết chặt”, ông Hiểu Em cho hay.
Trước hoạt động kinh doanh gặp khó do Covid-19, các siêu thị điện máy chỉ mong bán hàng hòa vốn. Để làm được điều này, nhiều doanh nghiệp điện máy phải cắt giảm chi phí, giảm lao động, đóng cửa những điểm bán hàng không hiệu quả, đẩy mạnh kênh bán hàng online và đưa ra những chương trình giảm giá “sốc” để tiêu thụ hàng tồn kho.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các siêu thị điện máy muốn thoát khỏi thua lỗ ngoài việc cắt giảm chi phí không cần thiết cũng không nên quá chú trọng đầu tư khai thác các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh bởi những thị trường này đã bão hòa, khó phát triển. Các nhà bán lẻ nên tập trung khai thác ở các thành phố nhỏ và thị trường nông thôn, bởi người tiêu dùng ở đây bắt đầu mua sắm điện máy nhiều hơn trước.
Đến nay, chỉ cần 20-35 triệu đồng, khách hàng có thể mua được những chiếc tivi cỡ lớn, của các thương hiệu tên tuổi. Chẳng hạn, chiếc Smart Tivi 4k 70 inch của LG có giá niêm yết là 36,4 triệu đồng nay giảm xuống còn 18,4 triệu đồng. Nhiều mẫu tủ lạnh dung tích lớn, công nghệ mới cũng giảm giá mạnh. Tủ lạnh 4 cánh Sharp 626 lít giảm 41%, từ 30 triệu đồng xuống còn 17,9 triệu đồng; tủ lạnh LG side by side 613 lít Inverter Linear giảm 25% từ 24,5 triệu đồng xuống còn 18,49 triệu đồng. Với máy giặt cũng tương tự. Chỉ cần từ 4-8 triệu đồng đã có thể chọn được sản phẩm ưng ý. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận