Ồ ạt đầu tư điện mặt trời
Khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, EVN vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động...
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời. Ngoài thời hạn của hợp đồng mua bán 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại, nhà đầu tư còn được phép huy động vốn từ các tổ chức cá nhân thực hiện các dự án điện mặt trời.
Trước những cơ chế ưu đãi lớn về mặt chính sách, cũng như lợi nhuận thu về khả quan từ các dự án điện mặt trời, nhiều DN đang ngấp nghé ý định vay vốn ngân hàng để đầu tư vào mảng năng lượng tự nhiên. Không thể phủ nhận triển vọng đầu tư phát triển điện mặt trời là vô cùng khả quan nếu nhìn vào sức tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế rất lớn, thậm chí nhiều khả năng sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện vào những năm 2020. Đơn cử, ngành điện phải đảm bảo sản xuất 265 - 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến 2025 trong các kịch bản như phụ tải tăng trưởng cao hoặc lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm.
“Về công suất của hệ thống điện năm 2019, dự kiến mức công suất đỉnh của hệ thống có khả năng đạt tới 39.044 MW, tăng trưởng 11,15% so với năm 2018. Với mức tăng trưởng công suất và sản lượng như vậy, để đáp ứng nhu cầu điện cho 2019 là khó khăn trong công tác vận hành. Phụ tải điện vẫn tăng trưởng cao trong khi nguồn cung không nhiều”, ông Vũ Xuân Khu - đại diện EVN từng bày tỏ lo ngại các năm 2021 - 2023 hệ thống điện không đáp ứng đủ nhu cầu và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện ở miền Nam.
Song, trong thực tế, vì muốn thu về lợi nhuận cao, thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã xin làm điện mặt trời, dẫn đến quy hoạch điện mặt trời bị phá vỡ. Theo Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 8/2018, đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW.
Công suất này đã vượt nhiều lần so với quy hoạch điện VII điều chỉnh mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, định hướng phát triển điện mặt trời đạt khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025. Đây là nguy cơ về quy hoạch trong chiến lược đầu tư lớn nhất mà DN muốn tham gia điện mặt trời phải cân nhắc.
Ngoài ra, số vốn đầu tư điện mặt trời cũng không nhỏ, dao động từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD tùy quy mô từng dự án. Đơn cử, dự án Cánh đồng điện mặt trời tại Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) với diện tích lên đến 700ha, đòi hỏi hơn 12.000 tỷ đồng đầu tư.
Trong khi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có những dự án hoàn thành trước 30/6/2019 mới được EVN mua toàn bộ lượng điện sản xuất với giá mua ưu đãi trong vòng 20 năm. Còn với những dự án hoàn thành sau mốc này, giá mua điện nhiều khả năng sẽ chênh lệch hơn mức ưu đãi rất nhiều, tỷ suất sinh lợi để trả vốn và lãi vay ngân hàng là nguy cơ tài chính kế tiếp mà DN phải cân nhắc.
Trong khi đó, các hộ cá nhân đầu tư điện mặt trời cũng là một giải pháp khả quan trước tình trạng giá điện tăng cao như hiện nay, lượng điện sản xuất dư ra so với mức sử dụng sẽ được bán ngược lại cho EVN. HDBank mới tung ra thị trường sản phẩm tín dụng ưu đãi khá hấp dẫn đối với các DN thực hiện dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Theo đó, nhà băng này cho vay 70% tổng vốn đầu tư dự án điện mặt trời áp mái với thời hạn 5 năm. Khách hàng được vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án với lãi suất ưu đãi và thế chấp bằng chính hệ thống điện mặt trời trên mái nhà hình thành trong tương lai.
Theo bà Nguyễn Ngọc Tường Vi - quyền Trưởng ban kinh doanh của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến nay đã có 1.432 công trình điện mặt trời áp mái của các hộ dân, đơn vị kết nối với điện lưới TP.HCM với tổng công suất 17,46 MWp. Nếu nhân với đơn giá mua điện năm 2019 thì số tiền ngành điện đã trả cho người dân để mua điện mặt trời là hơn 8,5 tỷ đồng.
Trong khi theo tính toán, bình quân chi phí lắp đặt điện mặt trời là 21 -25 triệu đồng cho 1 kWp/h, với sản lượng 4 kWp/h (phù hợp với một hộ gia đình nhỏ), thì chi phí lắp đặt chỉ là 84 triệu đồng. Công suất trung bình tương ứng là 16,4 kWp/ngày. Với đơn giá điện trung bình là 2.700 đồng, thì sau 5 - 7 năm khoản đầu tư cá nhân sẽ hòa vốn.
Thế nhưng, giới chuyên gia cho biết, điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm thì điện mặt trời gần như không hoạt động, trừ phi có hệ thống pin, ắc quy tích điện. Vì vậy khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, EVN vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận