menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
24HMoney

“Nút thắt” cổ đông ở Vinaconex

Một khi “nút thắt” xung đột nội bộ ở Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chưa được gỡ, thì doanh nghiệp này khó hoàn thành được kế hoạch kinh doanh 2019 và bứt phá đi lên.

Đại hội cổ đông của Vinaconex diễn ra vào ngày 28/6 tới, đang được giới đầu tư hồi hộp chờ đợi một cái kết thực sự cho xung đột nội bộ ở doanh nghiệp này.

“Nút thắt” cổ đông ở Vinaconex

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinaconex

Thực tế, nhiều công ty đại chúng ở Việt Nam được kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất hoặc một nhóm cổ đông, những người biết rõ về các hoạt động của công ty và có thể kiểm soát việc quản lý công ty một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, các chủ sở hữu còn lại sẽ bị “đẩy” vào vị thế thứ yếu, thiếu nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ phía cổ đông lớn.

Sau khi Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) phát đi thông báo chính thức về việc triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 28/6/2019. Theo nội dung chương trình, phiên họp thường niên chỉ tập trung vào các báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019 và không đề cập đến các vấn đề “nóng” của Vinaconex diễn ra trong thời gian gần đây

Một số nhà đầu tư cho rằng việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 là tín hiệu tốt, sau những kiện tụng pháp lý liên quan đến tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn tại doanh nghiệp này. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đây là tín hiệu “hợp long”, thể hiện sự đồng lòng giữa các nhóm cổ đông lớn ở Vinaconex.

Tuy nhiên, đối với HĐQT gồm 7 thành viên của Vinaconex mà có tới 5 thành viên là người của cổ đông nắm giữ tỷ lệ chi phối thì việc thông qua một nghị quyết là kết quả có phần được định đoạt từ trước và cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.

Sóng ngầm tại Vinaconex

Được biết, trước khi HĐQT Vinaconex thông qua việc tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, 2/7 thành viên HĐQT đã có văn bản đề xuất, kiến nghị về công tác quản trị điều hành của Tổng công ty, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chuẩn mực quản trị minh bạch của một công ty đại chúng niêm yết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các cổ đông, không vì lợi ích riêng của bất kỳ nhóm cổ đông nào. Tuy nhiên, các đề xuất, kiến nghị đó vẫn chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng, dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ cổ đông và HĐQT vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của Tổng công ty và quyền lợi cổ đông

Đây là dấu hiệu cho thấy phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinaconex tiềm ẩn nguy cơ sẽ diễn ra khá căng thẳng, hoặc không thể tiến hành khi mâu thuẫn vẫn giữa các nhóm cổ đông lớn vẫn còn tồn tại chứ không chỉ là bức tranh tươi sáng như các cổ đông nhỏ lẻ kỳ vọng.

Minh bạch hơn trong quản trị doanh nghiệp

Thực tế, nhiều công ty đại chúng ở Việt Nam được kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất hoặc một nhóm cổ đông, những người biết rõ về các hoạt động của công ty và có thể kiểm soát việc quản lý công ty một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, hệ quả là các chủ sở hữu còn lại (thậm chí là các cổ đông ngoại) cũng thường được “đẩy” vào vị thế thứ yếu, thiếu nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ phía cổ đông lớn.

Lúc này, điều các cổ đông thứ yếu tại công ty có thể mong chờ là sự làm việc hiệu quả, thúc đẩy minh bạch trong quản trị công ty từ các “tuyến phòng thủ” như HĐQT (có sự tham gia của Thành viên HĐQT độc lập), Ban Kiểm soát...

Đơn cử như trường hợp của Vinamilk (Mã CK: VNM) và Thế giới di động (Mã CK: MWG), nhờ có sự tham gia của các cổ đông ngoại, hoạt động quản trị được tuân thủ theo các thông lệ quốc tế, minh bạch hơn, các quyết định được đưa ra được cân nhắc kỹ lưỡng và trên hết là dựa trên lợi ích của các cổ đông.

Cơ chế quản trị minh bạch đã góp phần giúp các công ty này gặt hái nhiều thành công trong quá trình phát triển, song song với đó là niềm tin và sự đồng hành của các cổ đông lâu năm.

“Nội bộ công ty có động lực tốt khi họ thấy mọi thứ trong công ty đều rõ ràng, nhà đầu tư có niềm tin vào doanh nghiệp” - một lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ như vậy sau khi công ty chào bán riêng lẻ thành công cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, sự thiếu minh bạch trong quan trị công ty có thể làm cho các nhà đầu tư, cổ đông đánh mất niềm tin vào doanh nghiệp.

Như trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG), cổ đông đã không khỏi băn khoăn về các giao dịch phát sinh liên quan tới Công ty TNHH Ðầu tư Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT HSG - sở hữu. Dù vậy, các thông tin giải thích từ ban lãnh đạo lại chưa đủ để thỏa mãn yêu cầu của cổ đông về minh bạch thông tin và cái giá phải trả là giá cổ phiếu HSG giảm mạnh trong thời gian qua.

Hay những biến cố ở Eximbank là một bài học về quản trị không minh bạch dẫn đến những hệ luỵ khôn lường, giống như hai chú dê đi trên một chiếc cầu, nếu chỉ biết húc nhau mà không biết nhường chỗ cho nhau để cả hai cùng sang cầu được thì chỉ có nước "rơi xuống sông”. Chừng nào Eximbank còn chưa ổn định được hệ thống quản trị cấp cao thì những sự việc như vợ của “vua tôm” Minh Phú bị phó giám đốc chi nhánh “cuỗm” mất 245 tỷ rồi bỏ trốn như vừa qua sẽ còn xảy ra.

Tại các thị trường phát triển, không thiếu các trường hợp quản trị yếu kém đã dẫn đến sự sụp đổ của doanh nghiệp, gây ra thiệt hại đến hàng tỷ USD.

Trong trường hợp phá sản đầy tai tiếng của công ty Enron, Thượng viện Mỹ trong một kết luận của đưa ra vào năm 2002 đã chỉ rõ sự yếu kém của HĐQT. Cụ thể, kết luận cho biết, HĐQT của Enron đã không bảo vệ được các cổ đông của công ty, thiếu tính độc lập, bỏ qua những hoạt động gây ra xung đột lợi ích rõ ràng và không công khai quá nhiều hoạt động.

Quay trở lại với Vinaconex...

Với trường hợp Vinaconex, việc các vị trí chủ chốt đều do nhóm cổ đông lớn thâu tóm khiến cho các “tuyến phòng thủ” không còn đảm bảo và các cổ đông thứ yếu cũng khó có thể yên tâm với các quyết định được đưa ra. Đó hẳn là lý do chính đáng, bởi lẽ, không chỉ riêng An Quý Hưng, các cổ đông này cũng bỏ ra số tiền hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện đầu tư vào Vinaconex.

Điều họ mong mỏi là nguồn lực của doanh nghiệp được ban lãnh đạo Vinaconex sử dụng hiệu quả, các quyết định được đưa ra phục vụ lợi ích của tất cả cổ đông dựa trên một cơ chế quản trị doanh nghiệp minh bạch và bình đẳng.

Sau khi HĐQT mới được bầu vào ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019, Chủ tịch HĐQT mới đã ban hành quy chế quản lý tài chính và quy chế về tổ chức, hoạt động của HĐQT Công ty. Theo quy chế mới, ngoài việc HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính và đầu tư đối với các khoản đầu tư nhỏ hơn 35% giá trị tài sản, HĐQT đã “ủy quyền” cho Chủ tịch HĐQT được quyết định các dự án thuộc thẩm quyền của HĐQT có giá trị quyết toán từ 5 đến 10% giá trị tài sản của Công ty. Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Vinaconex, giá trị tài sản của Công ty là 20 nghìn tỷ đồng. Tính sơ thì thẩm quyền quyết định của Chủ tịch HĐQT trong việc đầu tư dự án cũng lên đến con số 2.000 tỷ đồng. Trước đó, khi SCIC và Viettel chưa thoái vốn thì thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT Vinaconex được quyết định các dự án đầu tư đến 15 tỷ đồng. Nếu so sánh hai con số này thì có thể thấy, thẩm quyền của chủ tịch HĐQT trong việc quyết định các dự án đầu tư đã tăng gấp 166 lần.

Trong quy chế tổ chức, hoạt động của HĐQT, HĐQT Vinaconex cũng giao cho Tổng giám đốc quyết định các công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết toán đầu tư các dự án với giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 5% giá trị tài sản của Công ty, tương đương 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm 2018.

Mặt khác, xét trên những thông tin về tình hình sức khoẻ tài chính của An Quý Hưng được tiết lộ gần đây trên truyền thông thời gian gần đây, việc các quyết định đã và sẽ được thông qua dựa trên lợi ích của tất cả các cổ đông Vinaconex mà không phải phục vụ cho nhu cầu cá biệt của một nhóm cổ đông chi phối cũng là điều đáng bàn.

Xung đột hậu thoái vốn Nhà nước

Những “lỗ hổng” về quy định trong chuyển nhượng vốn Nhà nước đã dẫn đến các thương vụ thoái vốn đình đám, như tại Sabeco hay Vinaconex… Nhưng kéo theo đó là nhiều yếu tố chưa “trọn vẹn”.
Những lo ngại không phải không có cơ sở khi Sabeco về tay người Thái có thể chi phối độc quyền –cạnh tranh bất lợi đối với các doanh nghiệp nhỏ trên thị trường bia Việt Nam. Hay An Quý Hưng của Vinaconex có “dùng mỡ nó rán nó” – trông vào các tài sản Vinaconex để rút ruột bù đắp cho khoản mua vốn hàng nghìn tỷ đồng?.

Đặc biệt, hiện tượng An Quý Hưng hậu thoái vốn đã nỗ lực phát hành trái phiếu gọi vốn lên tới trên 5.300 tỷ đồng mà tài sản đảm bảo cho đợt gọi vốn của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đều là cổ phiếu VCG của Vinaconex đã gợi lên không ít suy nghĩ, đồn đoán quanh dòng tiền thực tế mà An Quý Hưng đã chịu chi cho đợt thâu tóm Vinaconex.

Cũng trong trường hợp Vinaconex, nhiều chuyên gia đánh giá hướng xử lý xung đột vẫn là các bên phải ngồi lại với nhau, tìm phương án giải quyết nội bộ theo đúng quy định của công ty niêm yết, đại chúng, đặc biệt không ảnh hưởng lợi ích cổ đông nhỏ lẻ và cơ hội phát triển của doanh nghệp.

Trường hợp này lại cũng có chút tương tự như vụ việc về bầu bán HĐQT và đơn kiện lên tòa thụ lý áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng Nghị quyết HĐQT bầu Tân Chủ tịch tại Eximbank vừa diễn ra cách đây chưa lâu. Lưu ý rằng trong trường hợp của Eximbank, có hay không chuyện cổ đông mới gom được cổ phiếu thông qua đợt thoái vốn lớn của Viecombank – cũng là một yếu tố cho thấy các đợt thoái vốn Nhà nước dễ dẫn đến “châm ngòi” cho những cuộc xung đột lợi ích.
Ngoài ra, việc Cảng Quy Nhơn phải hoàn trả về tay Nhà nước do bán sai cho tư nhân cũng là một “tiền lệ” rằng, mặc dù có những “lỗ hổng” về quy định chọn nhà đầu tư, nhưng không phải cứ kết thúc thương vụ, thì mọi giao dịch dù có tín hiệu sai hoặc chưa phù hợp cũng không thể điều chỉnh hay hồi tố.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại