menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Long

Nước Thủ Dầu Một muốn chào bán 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

CTCP Nước Thủ Dầu Một (mã TDM - sàn HoSE) công bố bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 28/3 tại Bình Dương.

Cụ thể, Công ty bổ sung tờ trình đáng chú ý là chào bán 10 triệu cổ phiếu giá 30.000 đồng/cổ phiếu để huy động 300 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán 10:1, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới và dự kiến triển khai trong năm 2023.

Mục đích huy động vốn của Nước Thủ Dầu Một (Nguồn: TDM)
Mục đích huy động vốn của Nước Thủ Dầu Một (Nguồn: TDM)

Số tiền huy động, Nước Thủ Dầu Một dự kiến dùng 143 tỷ đồng đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ; 54,2 tỷ đồng đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp nước Cà Mau; 35 tỷ đồng đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp nước Gia Tân; 64,5 tỷ đồng trả nợ vay gốc đến hạn cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương; và còn lại 3,3 tỷ đồng trả một phần nợ vay gốc đến hạn cho Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.

Được biết, với giá thị trường ngày 24/3 là 36.650 đồng/cổ phiếu, giá chào bán cho cổ đông sắp tới đang thấp hơn 18,1% so với giá thị trường.

Ở một diễn biến khác, từ ngày 24/2 đến 24/3, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B, tổ chức liên quan ông Võ Văn Bình, thành viên HĐQT tại Nước Thủ Dầu Một chỉ mua được 400.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 500.000 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 1,049% lên 1,46% vốn điều lệ, lý do không mua hết do giá thị trường chưa phù hợp.

Năm 2023, Nước Thủ Dầu Một đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 35%

Trong năm 2023, Nước Thủ Dầu Một đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 642,2 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 298,4 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, nước sản xuất ước tính là 76,82 triệu m3, tăng 10% và nước tiêu thụ ước đạt 76,23 triệu m3, tăng 10% so với cùng kỳ.

Công ty tiếp tục đặt chiến lược chủ yếu là đầu tư vào ngành nước và những lĩnh vực tương tự trong năm 2023.

Về chính sách cổ tức, năm 2023, Công ty dự kiến phấn đấu đạt bằng hoặc cao hơn năm 2022 với tỷ lệ 13%.

Về kế hoạch mở rộng, năm 2023 tại Nhà máy nước Dĩ An tuyến ống nước thô D1600mm, Công ty tiếp tục làm việc với các sở ban ngành để được cấp phép thi công, dự kiến thi công vào năm 2023, vốn đầu tư 256 tỷ đồng.

Tại nhà máy nước Bàu Bàng, Công ty đang hoàn thiện thi công tuyến ống nước thô tự chảy thuộc Nhà máy nước Bàu Bàng D2.400L=1.200m, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Chuẩn bị kế hoạch đầu tư tuyến ống nước thô D1500 (từ trạm nước thô về nhà máy xử lý Bàu Bàng L=8,4 Km, tổng vốn đầu tư 265 tỷ đồng, dự kiến thực hiện cuối năm 2023.

Trong đó, đáng chú ý với nhận định khả quan về thị trường tiêu thụ nước sạch tiềm năng thời gian tới của Biwase (mã BWE, Công ty liên kết của Nước Thủ Dầu Một) cùng với việc hỗ trợ, liên kết đầu tư liên quan đến lĩnh vực phát triển cấp nước ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương tại các doanh nghiệp như CTCP Cấp nước Đồng Nai, CTCP Cấp nước Gia Tân, hệ thống cấp nước Cần Thơ… điều này hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển của Nước Thủ Dầu Một trong tương lai.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý IV/2022, Nước Thủ Dầu Một ghi nhận doanh thu đạt 125,78 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 73,92 tỷ đồng, giảm 45,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 49,2% lên 53,5% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 20,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 11,58 tỷ đồng lên 67,26 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 78,4%, tương ứng giảm 79,37 tỷ đồng về còn 21,93 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 40,8%, tương ứng giảm 7,01 tỷ đồng về còn 10,19 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Năm 2022, Nước Thủ Dầu Một đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 510 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 236 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, Công ty hoàn thành 93,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Biwase tiếp tục muốn mở rộng hệ sinh thái cấp nước sang các tỉnh thành thay Nước Thủ Dầu Một

Tới cuối năm 2022, Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông lớn nhất của Biwase khi sở hữu 37,42% vốn điều lệ, tiếp theo là Becamex sở hữu 19,44% vốn điều lệ, Ecorbit sở hữu 6,22% vốn điều lệ và còn lại 36,92% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ.

Đầu tháng 2/2023, Biwase vừa thông qua chủ trương đầu mua cổ phần 5 Công ty gồm CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; CTCP Công trình Đô thị Châu Thành; CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc; CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 50% đến 100%. Như vậy, nếu giao dịch thành công, Biwase sẽ ghi nhận đầu tư vào 5 công ty con.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An có địa chỉ tại ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, đại diện pháp luật là ông Trần Tấn Lợi và hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Thêm nữa, theo giới thiệu trên website, DNP Long An hoạt động trong lĩnh vực cấp nước với vốn điều lệ trên 786 tỷ đồng. Công ty sở hữu Nhà máy nước Nhị Thành có công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho các khu vực huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước… thuộc tỉnh Long An.

DNP Long An nằm trong hệ sinh thái của DNP Holding (Mã DNP, tên trước đây là Nhựa Đồng Nai) với tỷ lệ lợi ích tính tại ngày 31/12/2022 là 44,06%. DNP Holding sở hữu 15 nhà máy tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tổng công suất các sản phẩm nhựa là 8.500 tấn/tháng và 700.000 m3 nước sạch/ngày đêm.

Ở một diễn biến khác, trước đó, tháng 4/2022, Biwase công bố đã mua lại cổ phần của Cấp thoát nước Cần Thơ (mã CTW) và Cấp nước Cần Thơ 2 với giá trị đầu tư tại ngày cuối tháng 12/2022 là 303 tỷ đồng. Đồng thời, nhân sự cấp cao của Biwase cũng đã tham gia vào việc điều hành tại hai công ty nói trên.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty nước địa phương tại Đồng Nai, Cần Thơ, Biwase cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bến Tre...

Có thể thấy, đứng sau Biwase chính là Nước Thủ Dầu Một, tham vọng của Biwase đồng thời là tham vọng của Nước Thủ Dầu Một để thống lĩnh thị phần cấp nước khu vực các tỉnh phía Nam. Biwase là cánh tay nối dài để Nước Thủ Dầu Một thực hiện tham vọng thâu tóm doanh nghiệp cấp nước của mình.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu TDM giảm 550 đồng về 36.650 đồng/cổ phiếu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại