menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Xuân Hải

Nước Nga có bị vỡ nợ?

Một số đánh giá dành cho những ai đã đang và sẽ giao dịch, làm ăn với đối tác Nga mà chưa đủ thông tin

Nước Nga hậu Covid đang đối mặt khủng hoảng kinh tế: lạm phát có thể đến 20%. Đúng lúc đó Nga lại bắt đầu cuộc chiến tranh với Ucraina có nguy cơ kéo dài dẫn đến Mỹ châu Âu và một số nước áp dụng các biện pháp phong toả, trừng phạt kinh tế từ dữ dội chưa từng có.

1. Các biện pháp ấy bắt đầu gây hiệu ứng với nước Nga. Trong đó có lĩnh vực dịch vụ Tài chính Tiền tệ.

Với doanh nghiệp: việc một số ngân hàng bị cắt khỏi SWIFT nên hoạt động thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ trở nên khó khăn và tốn kém. Việc tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ mạnh nước ngoài thì khỏi nói vào lúc này.

Với cá nhân: nhiều thẻ Credit, Debit quốc tế và các ứng dụng thanh toán ví điện tử trở nên vô dụng. Thanh toán chi tiêu khó khăn.

Với Chính phủ Nga cũng có chuyện.

Trước hết xem mấy số liệu:

a. Tổng thể Nga đang nợ nước ngoài (quy đổi) khoảng 490 tỷ USD trong đó nợ nhà nước là khoảng 85-90 tỷ USD, doanh nghiệp và ngân hàng nợ khoảng 400 tỷ.

b. Hiện dự trữ ngoại hối của Nga khoảng 640 tỷ USD quy đổi. Nếu trước đây chính phủ Nga chủ yếu dự trữ bằng USD thì khoảng hơn 10 năm nay họ lặng lẽ chuyển sang các loại tiền tệ khác như: EUR, Vàng, ¥, NDT…

Cơ cấu theo loại tiền tệ như sau: USD 16%, EUR: 32%, Vàng vật chất 22%, NDT: 13%, khác: 17%.

Theo nơi gửi: Vàng tại kho NHTW 22%, NHTW Trung Quốc cỡ 13%. Nhật: 10%, Mỹ và Canada: 9-10%, các nước không rõ và tổ chức quốc tế (kiểu IMF với SDR): 14-15%, châu Âu: 31-32%.

Ngoài ra Quỹ phúc lợi quốc gia của Nga trích từ bán dầu khoảng $180 tỷ cũng đã chuyển về trong nước dưới dạng vàng và một số tài sản tài chính.

Nhìn vào đó thấy Nga đủ khả năng trả nợ và đủ thanh khoản ngoại hối để thực hiện. Cơm lành canh ngọt thì chắc vẫn ổn.

c. Chính việc Nga lôi vàng vật chất về nước khối lượng lớn là nguyên nhân quan trọng gây nên cơn khủng hoảng thị trường vàng mà tôi đã viết trong post “Thứ Ba ngày 24 đẫm máu của thị trường vàng” ngày 26/03/2020 khi xuất hiện một lượng lớn bất thường lệnh mua yêu cầu giao vàng vật chất (xem link ở comment), và tôi có nói về “lý do địa chính trị”. Việc hoán đổi ngoại tệ ra vàng của Nga làm bằng hai cách: hoặc dùng ngoại tệ mua vàng khai thác trong nước khai thác được dự kiến xuất khẩu (coi như xuất khẩu tại chỗ vfa không đánh động thị trường) hoặc dùng ngoại tệ hoán đổi (mua) vàng từ nước ngoài.

Tỷ lệ dự trữ bằng EUR, ¥ khá cao chứng tỏ Nga đã không ngờ châu Âu, Nhật đồng lòng với Mỹ nhanh và quyết liệt vậy… chắc vì cho rằng châu Âu phụ thuộc khí đốt nên không dám làm mạnh tay.

Hiện Mỹ, châu Âu, Canada và Nhật đã phong toả TK NHTW Nga số lượng chiếm khoảng 55-60% dự trữ ngoại hối tương đương 380 tỷ USD. Việc phong toả tài khoản NHTW Nga và cắt khỏi hệ thống SWIFT sẽ gây khó khăn trong việc trả các khoản nợ nước ngoài. Mặc dù có các hệ thống tương tự của Nga là SPFS, CIPS của Trung Quốc và một số kênh khác nhưng hiện không thể so sánh với SWIFT được.

Vì thế tạo ra mấy tình huống:

a. Giả sử CP Nga cho và con nợ muốn trả nợ: Nhưng TK ngoại hối NHTW bị phong toả, SWIF bị ngắt làm sao thanh toán được?

b. Trong trường hợp CP Nga dù không cho nhưng con nợ muốn và có ngoại tệ trả nợ: SWIF bị ngắt làm sao thanh toán?

c. Còn nếu CP Nga hoặc/và con nợ không muốn trả vì coi các quyết định chính trị trên đã kích hoạt điều kiện bất khả kháng thỉ sao? Cái này các luật sư cho ý kiến xem có coi là bất khả kháng được không.

2. Cụ thể thì thế này: cuối tháng 2/2022 một loạt các Ngân hàng lớn của Nga bị ngắt khỏi SWIFT và đến nay có thêm một số các ngân hàng khác… nhưng không phải tất cả. Các NH phục vụ bán dầu và khí cho châu Âu vẫn kết nối SWIFT để thanh toán. Một số NH nhỏ, NH nước ngoài cũng vậy. Nước Nga chưa bị cô lập hoàn toàn với SWIFT… chắc các bên còn chờ xem thế nào cái đã. Mà như vậy thì chưa thể gọi là cô lập hoàn toàn. Muốn vẫn thanh toán được ngon. Muốn hay không thôi. Công khai hoàn toàn. Tôi ngờ ngợ chắc cắt SWIFT mới ở giai đoạn thử hoặc làm hình thức thôi, vẫn để khe cho lách, khe đủ rộng. Ít nhất là để còn thu nợ và mua dầu khí. Ít nhất vào lúc này.

Mà nợ mới là thứ tác động ngay túi tiền các bên… nên nóng!

Trước hết là Mỹ, vốn rất thực dụng. Dù phong toả nhưng từ nay đến 25/05/2022 Mỹ cho phép giao dịch nhận gốc lãi vay và cổ tức từ NHTW, Kho bạc và các tổ chức chính phủ của Nga. Nhưng không nói từ TK NHTW đang bị phong toả có được lấy ra xài không?

Tạm thế để thu nợ cái đã. Sau 25/05 thì chưa biết, tính sau.

Tất nhiên việc tài khoản NHTW Nga phong toả, không cho nhập ngoại tệ mặt, hay ngắt kết nối SWIFT làm rúng động tâm lý người dân: Họ rút ngoại tệ khỏi ngân hàng. Do vậy TT Putin đã ký sắc lệnh không cho rút ngoại tệ mặt quá $10.000 mỗi tài khoản cũng như không cho cầm ngoại tệ quá $10.000 khi xuất cảnh.

Ngày 06/03/2022 TT Putin ký tiếp sắc lệnh yêu cầu thanh toán khoản nợ nước ngoài cho các “quốc gia không thân thiện - thù địch" bằng đồng Ruble (Kiểu trả đũa: Mày cho nhận là việc của mày, cho trả không và trả ra sao là việc của tao!). Cách thực hiện: Để trả nợ con nợ sẽ yêu cầu một ngân hàng Nga lập một tài khoản đặc biệt bằng đồng Ruble dưới danh nghĩa chủ nợ nước ngoài và chuyển trả nợ quy đổi ra đồng Ruble theo tỷ giá của NHTW Nga công bố vào ngày thanh toán. Tỷ giá này khác tỷ giá thị trường hay bằng thì chưa làm rõ - chắc để phòng khi thị trường đóng cửa như thời gian qua. Nói ngắn lại thì tức là chuyển đổi bắt buộc nợ ngoại tệ sang Ruble.

Cách ứng xử này áp dụng với cả người cư trú lẫn không cư trú từ các “quốc gia thân thiện” nếu họ mua lại các khoản nợ từ chủ nợ là người cư trú ở các “quốc gia không thân thiện” sau ngày 01/03/2022.

Quy định này cũng cho phép NHTW và Bộ Tài chính giải quyết ngoại lệ cho phép trả bằng nguyên tệ.

Danh sách các “quốc gia không thân thiện - thù địch” khoảng 50.

(Cũng lạ… làm gì có quốc gia hay dân tộc nào không thân thiện với nhau? Chỉ có các chính phủ không thân thiện hay thù nhau. Bằng chứng là thay chính phủ hay chính phủ thay quan điểm là bạn thành thù - thù thành bạn trong sau vài nốt nhạc).

Phần lớn các chủ nợ là công dân, doanh nghiệp các quốc gia nằm trong danh sách này. Họ tất nhiên phản đối kịch liệt: Vay tiền nào trả tiền ấy chứ! Khôn thế quê tôi đầy! Không thì thành vỡ nợ!

Ông Nga thì giả ngố: Ô… tôi muốn trả lắm mà cũng chả thiếu tiền nhưng các ông giam ngoại tệ của tôi lại cắt mất SWIFT. Trả bằng cái gì và trả làm sao? Tôi đành để ở nước tôi bằng Ruble rồi các ông đến mà nhận vậy!

Bức tranh khá là mới về tình trạng vỡ nợ chắc sẽ được nêu trong sách vở: Nếu năm 1998 nước Nga hay sau đó Argentina thực sự do cấu trúc tài khoá tiền tệ yếu kém không có khả năng tài chính để trả các khoản nợ của mình nên bị tuyên vỡ nợ, thì hiện nay khả năng vỡ nợ xảy ra không phải do chính sách tài khóa lỏng lẻo, mất thanh khoản hay khủng hoảng kinh tế, mà là hệ quả của những biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt tài chính lẫn nhau, là các quyết định chính trị.

Do vậy dù các công ty xếp hạng tín nhiệm lớn nhất bao gồm Fitch, Moody’s đã đồng loạt xếp Nga vào mức tiền vỡ nợ và coi việc vỡ nợ là khó tránh khỏi (imminent default), các nhà quản lý và giới đầu tư đều biết rõ chuyện ấy sắp xảy ra… nhưng việc vỡ nợ này tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến hệ thống tài chính toàn cầu… vì không có nội hàm kinh tế. Khác chỗ ấy.

3. Hậu quả sẽ là gì với Nga?

a. Về ngắn hạn việc tuyên bố Nga vỡ nợ (nếu diễn ra) không ảnh hưởng lớn đến chi tiêu ngân sách Nga do hiện nguồn tài chính Nga không phụ thuộc trực tiếp vào nợ nước ngoài.

b. Hậu quả nẳm ở tính chính thống và dài hạn. Diễn biến dự thế này: Các chủ nợ khởi kiện. Toà chắc chắn sẽ tuyên Nga phải trả và chắc là không bằng Ruble. Phía Nga không trả. Toà yêu cầu phong toả tài khoản của NHTW Nga (vốn hiện đang bị phong toả rồi). Toà cưỡng chế cắt tiền từ NHTW Nga trả nợ (cũng từ tài khoản ấy).

Câu hỏi: Đằng nào cũng thế thì sao không cho Nga dùng ngoại tệ ấy trả nợ luôn bây giờ cho đỡ tốn thời gian, án phí và phí luật sư nhỉ!!!

Vấn đề ở dài hạn!

Hậu quả lâu dài của việc vỡ nợ là Nga và doanh nghiệp của họ trong những thập niên sắp tới vay nợ bằng ngoại tệ sẽ rất khó khăn và lãi suất rất cao.

Ngay sau khi các thông tin trên được công bố các khoản nợ ngoại tệ của Nga mất giá nghiêm trọng: ngắn hạn chỉ còn 29-30% mệnh giá, còn dài hạn trên 5 năm là 50-60% mệnh giá… dù trước đó giao dịch trên mệnh giá.

Cơ hội cho khối chú! Dù có một số điểm nho nhỏ cản trở… phải có cách!

c. Vấn đề vỡ nợ chéo: Cross Default.

Vỡ nợ chéo là khi đã không trả được 1 khoản nợ lớn nhỏ thì tất cả các khoản nợ khác coi như đến hạn trả và thành nợ xấu. Không rõ các khoản vay Chính phủ hay Doanh nghiệp của Nga có đưa điều khoản Quốc gia vỡ nợ thành Vỡ nợ chéo không. Nếu có thì sẽ là vấn đề. Trong điều kiện bình thường chắc sẽ là đại vấn đề, nhưng trong bối cảnh hôm nay tôi nghĩ không là vấn đề lớn - kiểu cùi thì sợ gì ghẻ- với nền kinh tế, nhưng là cơn đau đầu ghê gớm với chủ doanh nghiệp lớn.

Hãy theo dõi một số mốc gần đáng chú ý:

16/03: đến hạn thanh toán coupon trị giá $117 triệu cho lô trái phiếu Eurobond trị giá quy đổi 3 tỷ USD đáo hạn từ năm 2023 đến năm 2043.

31/03: một khoản thanh toán coupon khác $359 triệu với Eurobond có thời gian đáo hạn vào năm 2030.

04/04: $2 tỷ Eurobond đến hạn.

Nếu trả bằng nguyên tệ thì chắc là do được sử dụng tài khoản ngoại tệ của NHTW… nghĩa là có thoả hiệp.

Nếu Nga không trả bằng nguyên tệ mà thực hiện trả bằng Ruble thì việc tuyên vỡ nợ chỉ còn là kỹ thuật và thời gian.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lý Xuân Hải

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

14 Yêu thích
15 Bình luận 8 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại