24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nước Mỹ trong cuộc trường kỳ chống khủng bố

Hai thập niên sau sự kiện khủng bố 11.9 tại Mỹ, các tổ chức cực đoan không chỉ tồn tại mà còn vươn vòi khắp nơi và làm cảm hứng cho những mối đe dọa mới.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu tuy đã có nhiều biến đổi nhưng các tổ chức cực đoan vẫn còn là mối đe dọa dai dẳng. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các tổ chức như al-Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ khôi phục mà còn mở rộng ra nhiều nơi.

Vươn vòi khắp nơi

Như chiếc lò xo bị dồn nén, các tổ chức cực đoan trỗi dậy tại bất cứ nơi nào sức ép của phương Tây được giảm bớt. Theo báo cáo của nhóm quan sát Liên Hiệp Quốc chuyên theo dõi các mối đe dọa Hồi giáo cực đoan, tình hình an ninh tại Afghanistan sẽ thêm tồi tệ sau khi Mỹ và đồng minh rút quân vì đó sẽ là thời cơ để al-Qaeda trỗi dậy.

Sau 20 năm bị Mỹ và đồng minh truy đuổi, al-Qaeda không còn giống như thời điểm xảy ra sự kiện 11.9. Thủ lĩnh Osama bin Laden của tổ chức này bị tiêu diệt cùng nhiều thành viên cấp cao khác trong khi người thay thế là Ayman al-Zawahiri trong tình trạng sức khỏe kém.

Tuy nhiên, al-Qaeda đã truyền bá tư tưởng cực đoan đến nhiều nhóm khác và theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tổ chức này vẫn đang hiện diện tại ít nhất 15 tỉnh tại Afghanistan, giữ mối liên hệ mật thiết với Taliban.

Nước Mỹ trong cuộc trường kỳ chống khủng bố
Trực thăng Mỹ tại tỉnh Uruzgan, Afghanistan năm 2013 (Lục quân Mỹ)

Sau khi bị đánh đuổi tại Iraq và Syria, lực lượng IS được cho là đã thiết lập lãnh địa vững chắc tại Afghanistan với khoảng 500 - 1.500 tay súng. IS không chỉ hiện diện tại các tỉnh miền đông Afghanistan mà còn gia cố vị thế trong và xung quanh thủ đô Kabul. Cuộc đánh bom tự sát đẫm máu tại sân bay ở Kabul lúc cuộc sơ tán của phương Tây diễn ra hồi tháng 8 là một trong số nhiều vụ tấn công do IS thực hiện tại đây và là sự khẳng định cho sự hiện diện của lực lượng cực đoan này. Tại Iraq và Syria, tàn dư của IS vẫn còn hiện hữu, thậm chí được cho là sở hữu nguồn quỹ lên đến 25 - 50 triệu USD.

Trong khi đó, châu Phi giờ đây được coi là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chủ nghĩa khủng bố, khi các nhóm liên kết với al-Qaeda hay IS đang gieo chết chóc nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác. Tại nhiều nơi, các nhóm này được tiếp tay, đe dọa thêm nhiều lãnh thổ, chiếm được nhiều vũ khí tốt hơn và vơ vét thêm của cải vào ngân sách.

Thách thức đối với Mỹ

Sau 20 năm, mối đe dọa khủng bố lớn nhất đối với Mỹ giờ không còn là các tổ chức khủng bố ở nước ngoài, mà lại từ ngay trong lòng nước Mỹ.

Báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ hồi tháng 3 nêu rằng các thành phần bạo lực được truyền bá những ý tưởng cực đoan đặt ra mối đe dọa khủng bố nội địa chết chóc nhất cho nước Mỹ. Giới chức an ninh, tình báo cảnh báo rằng những thành phần bạo lực cực đoan này đã “di căn” ra khắp đất nước.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với Yahoo! News, Bộ trưởng An ninh nội địa Alejandro Mayorkas lặp lại cảnh báo này và nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ từ lực lượng cực đoan bạo lực trong nước còn lớn hơn so với các tổ chức cực đoan nước ngoài như al-Qaeda hay IS.

Nước Mỹ trong cuộc trường kỳ chống khủng bố
Đoàn xe quân sự của Mỹ tuần tra tại Syria năm 2019 (AFP)

Kể từ sự kiện 11.9, các thành phần Hồi giáo thánh chiến đã sát hại 107 người bên trong nước Mỹ. Số người thiệt mạng này gần tương đương số người thiệt mạng do lực lượng khủng bố cực hữu gây ra, bao gồm các nhóm chống chính phủ, dân quân, người da trắng cực đoan và bạo lực chống phá thai, theo số liệu của Tổ chức Nước Mỹ mới (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ). Các cuộc tấn công lấy ý tưởng từ tư tưởng ly khai da màu, chủ nghĩa dân tộc và ý thức hệ lệch lạc cũng gia tăng trong những năm gần đây.

Dù có những biến đổi sau 20 năm nhưng mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ vẫn không hề suy giảm. Theo giới quan sát, thách thức cho Mỹ là phải xây dựng năng lực chống khủng bố linh hoạt, cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm phòng vệ trước một loạt mối đe dọa. Chiến lược quốc gia chống khủng bố năm 2018 và Chiến lược quốc gia chống khủng bố nội địa công bố lần đầu tiên hồi tháng 6 được xem là những lời giải rõ ràng cho cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, sự phân cực chính trị có thể gây tác động tiêu cực đến nỗ lực chung nhằm chuẩn bị cho thế hệ mối đe dọa mới.

Bộ máy an ninh quốc gia khổng lồ

Bộ máy chống khủng bố khổng lồ là thay đổi lớn nhất của Mỹ từ sau sự kiện tấn công khủng bố ngày 11.9.2001. Thống kê cho thấy có hàng ngàn cơ quan, tổ chức chính phủ và công ty tư nhân tại Mỹ tập trung vào chống khủng bố. Nhân lực tham gia cuộc chiến chống khủng bố cũng tăng lên dần với số người được tiếp cận nguồn thông tin an ninh tối mật ước tính là 854.000 người, theo tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (trụ sở tại New York, Mỹ). Các văn phòng và cơ sở bảo mật được xây dựng thêm nhiều, với diện tích ước tính tương đương 3 tòa Lầu Năm Góc hoặc 22 tòa nhà quốc hội. Nghiên cứu của dự án Phí tổn chiến tranh của các chuyên gia tại Viện Watson, Đại học Brown (Mỹ) ước tính chi phí chống khủng bố mà Mỹ đã chi từ năm 2001 là 6.400 tỉ USD, gồm tiền chăm sóc cựu binh và lãi gộp từ số tiền vay để tài trợ cho các cuộc chiến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả