Nước Mỹ mệt mỏi với 'sự cố chấp' của Tổng thống Trump
Các cáo buộc gian lận bầu cử không đi kèm chứng cứ của Tổng thống Trump làm tổn thương hình ảnh về một nước Mỹ vốn luôn tự hào về những giá trị dân chủ của mình.
Vài giờ trước khi cử tri đoàn Mỹ xác nhận Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020, Tổng thống Trump lên Twitter thông báo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr, một trong những đồng minh trung thành nhất của ông đã đệ đơn từ chức và sẽ rời chính quyền trước Giáng sinh.
Sự ra đi của ông Barr chấm dứt chuỗi ngày căng thẳng kéo dài giữa ông với nhà lãnh đạo Mỹ liên quan tới những tuyên bố của ông Trump về gian lận bầu cử.
Đầu tháng này, Trump bày tỏ tức giận trước tuyên bố của ông Barr khẳng định Bộ Tư pháp không tìm thấy dấu hiệu gian lận có thể thay đổi kết quả của cuộc bầu cử.
Không ai có thể khẳng định thực sự có gian lận trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua hay không, nhưng nhiều người bắt đầu mệt mỏi trước sự cố chấp của Trump khi ông nhất mực không chịu nhượng bộ.
Trong hơn một tháng qua, gian lận bầu cử gần như trở thành câu cửa miệng của vị Tổng thống đương nhiệm. Trong các cuộc gặp với truyền thông, trên Twiiter, ở các cuộc điện thoại tới các phiên điều trần, ông gọi cuộc bầu cử mới đây là lừa đảo, là gian lận trắng trợn, bị đánh cắp, bị thao túng và tuyên bố không công nhận kết quả kiểm phiếu.
Nhà lãnh đạo Mỹ chi không tiếc tiền vào nỗ lực kiểm lại phiếu ở một loạt bang chiến trường nhưng đều thất bại. Thậm chí có trường hợp tiền túi ông bỏ ra cộng thêm phiếu cho đối thủ.
Chiến dịch tranh cử Trump tới nay đệ hơn 50 đơn kiện tại tới tòa án các cấp nhưng hầu hết bị bác bỏ. Hy vọng như nhen nhóm khi bang Texas đâm đơn kiện lên Tòa án tối cao về các vấn đề liên quan tới bầu cử.
Vài giờ trước khi có phán quyết, ông Trump gây sức ép khi kêu gọi Tòa thể hiện "sự khôn ngoan", "dũng cảm". Tới lúc Tòa bác đơn kiện, ông không tiếc lời công kích cơ quan tư pháp cấp cao nhất nước Mỹ rằng họ đã làm người dân thất vọng.
Trump từng khẳng định ông sẽ rời Nhà Trắng sau khi đại cử tri bỏ phiếu cho Biden.
Nhưng khi kịch bản này trở thành thực tế, ông chủ Nhà Trắng và phụ tá của mình lại phát đi thông báo “không thừa nhận” kết quả bầu cử, nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn sẽ không làm nhụt ý chí của họ dù cơ hội đảo ngược tình thế là rất mong manh.
Một số nguồn thạo tin nói Trump - người từng khẳng định "thua dễ hơn thắng" sẽ không công khai thừa nhận chiến thắng của đối thủ và có ít khả năng ông tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Nhiều chuyên gia thắc mắc không rõ niềm tin gì khiến ông Trump "kiên định" như vậy trong hơn 40 ngày qua. Nhưng sự kiên trì này của ông trong mắt nhiều người là "cố chấp" và có phần mù quáng.
Hôm 14/12, Paul Mitchell - nghị sĩ Cộng hòa tại Michigan tuyên bố rời đảng vì "thất vọng" với những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của Tổng thống.
Giống như McCarthy, nhiều nghị sỹ Cộng hòa đă bắt đầu chấp nhận việc chính quyền mới sẽ tiếp quản văn phòng trong hơn một tháng tới.
Ở Cánh Tây của Nhà Trắng, một cuộc "di dân" đang âm thầm diễn ra. Nhiều nhân viên, quan chức lần lượt rời Nhà Trắng khi môi trường làm việc tại Tòa Bạch Ốc ngày càng bí bách trước việc Tổng thống Trump không chịu nhượng bộ.
Ở Cánh Đông, đệ nhất phu nhân Mỹ cũng được cho là đang chuẩn bị cho cuộc sống hậu Nhà Trắng.
Theo CNN, nhận thua trước đối thủ không được ghi là bắt buộc trong Hiến pháp Mỹ. Nhưng lịch sử Mỹ chưa ghi nhận ứng viên tổng thống nào từ chối nhận thua sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ và không thể thay đổi.
Nhưng giống như suốt nhiệm kỳ vừa qua, Trump luôn khiến mọi người bất ngờ về các quyết định của mình. Dù vậy, nhiều người tin đã tới lúc Trump dừng lại. Dừng những chỉ trích làm mất uy tín của hệ thống tư pháp, những cáo buộc ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nước Mỹ hay những lời kêu gọi làm xói mòn tính trung lập và khách quan của thẩm phán.
Các tuyên bố không đi kèm căn cứ của ông Trump về gian lận bầu cử khiến không chỉ người dân xứ cờ hoa mà còn khiến nhiều nước trên thế giới nghi ngại về công nghệ bỏ phiếu điện tử.
Tổng thống Brazil - một đồng minh thân cận của ông Trump mới đây kêu gọi trở về hình thức bỏ phiếu giấy trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vì lo ngại sẽ xảy ra gian lận.
Ở Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này chỉ ra "những thiếu sót rõ ràng của hệ thống bầu cử Mỹ", nhấn mạnh đây là vấn đề đã "duy trì" từ khá lâu.
Tại Trung Quốc, truyền thông nước này thậm chí ví quá trình bầu cử Mỹ trông "hơi giống của một nước đang phát triển".
Trong khi đó, Iran - quốc gia đối địch với Mỹ lâu năm nhân cơ hội này mà công kích đối phương.
Không rõ nỗ lực của ông Trump rồi sẽ đi tới đâu, cáo buộc gian lận bầu cử là chính xác hay là huyễn hoặc. Nhưng sự cố chấp của nhà lãnh đạo Mỹ đang khiến ông mất điểm trầm trọng trong mắt của nhiều người - những người hy vọng ông có thể chấm dứt cuộc chiến pháp lý hiện tại, ngừng bôi xấu một nước Mỹ vốn luôn tự hào về những giá trị dân chủ của mình và thôi sắm vai một "kẻ cố chấp" không có điểm dừng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận