Nước mắt của nhãn
Chúng tôi tạm chơi chữ khi nói về nhãn (mắt - long nhãn- mắt rồng). Mùa nhãn ở các tỉnh phía Bắc đang chín rộ vào những ngày dịch COVID-19 quay lại, ảnh hưởng mạnh đến tiêu thụ. Nhãn tươi tràn ngập các chợ, ngõ phố của Hà Nội với mức đại hạ giá. Đâu đó, người trồng nhãn rưng rưng nước mắt.
Nhãn tràn khắp chốn
Nhiều vườn nhãn tại tỉnh Hưng Yên đang chín rộ nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhãn bán rất chậm. Khảo sát của phóng viên, tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, nhãn được bày la liệt; thậm chí nhãn chất bán đống, bán bằng xe tải xuất hiện tại một số tuyến phố.
Tại chợ đầu mối Phía Nam (Hoàng Mai) nhãn được các tiểu thương chào giá trung bình khoảng từ 15.000- 20.000 đồng/kg, tùy loại. Loại nhãn to, cùi dày được bày ở các vị trí trung tâm có giá cao từ 20.000- 25.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết, so với những năm trước, giá rẻ nhưng lượng tiêu thụ nhãn năm nay cũng chậm hẳn. Trong khi đó, tra cứu các thông tin được công bố cho thấy, năm 2019, giá nhãn bán tại các siêu thị, chợ truyền thống từ 60.000 - 85.000 đồng/kg.
Trên mạng xã hội, nhãn Hưng Yên (hầu hết được quảng cáo gồm nhãn của các lãng/xã chuyên trồng nhãn ở Hưng Yên như Hương Chi, Miền Thiết) được nhiều địa chỉ online rao bán “giải cứu” giá chỉ bằng nửa so với năm ngoái. Nhiều người chỉ bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg với những loại nhãn phổ thông, nhãn loại 1 khoảng 30.000 đồng/kg, miễn phí vận chuyển nếu mua từ 5 kg trở lên.
Tại vườn, giá nhãn càng rớt mạnh. Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu (một vùng trồng nhãn chủ lực tại Hưng Yên) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nhãn rớt thảm từ đầu vụ, có thời điểm xuống đến 7.000 - 8.000 đồng/kg. Thương lái đánh xe ô tô tải đến bẻ cả vườn. Nhãn quả to chuyên làm quà biếu cũng chỉ được 8.000- 10.000 đồng/kg.
Bà Hồng cho biết thêm, do giá quá rẻ nên một số gia đình tăng cường thuê người hái đem bán tại các chợ nhằm thu lại tiền chăm sóc. Do nhãn kể từ khi "được nước" (ý nói chín) chỉ trong khoảng thời gian ngắn nên phải tranh thủ bán, nếu để lâu nhãn sẽ bị quá nước, nhạt dần và không ai mua. Bà Hồng cho hay, loại nhãn muộn từ các cây lâu năm được dùng để sấy nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, thị trường Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, chưa biết giá long nhãn thế nào nên lượng thương lái mua cũng ít.
Theo một số hộ dân trồng nhãn tại các vùng nông thôn như Hà Nam, Nam Định, hiện tại giá nhãn quả tại vườn chỉ từ 3.000-6.000 đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều gia đình có hàng chục gốc nhãn nhưng không có thương lái đến hỏi mua. Các gia đình đành chọn cách bẻ để ăn hoặc làm quà gửi cho người thân ở Hà Nội và các thành phố…
Bị động trước dịch COVID-19?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, sản lượng nhãn trong toàn tỉnh Hưng Yên ước đạt khoảng 50.000 tấn. Cho đến nay, lượng nhãn tiêu thụ đạt khoảng 70% sản lượng, chỉ còn khoảng 18.000-20.000 tấn (là nhãn muộn, chủ yếu bán thị trường nội địa và Trung Quốc). Số lượng này ngoài xuất bán tươi sẽ được chế biến sấy khô (đã bán được khoảng 100 tấn) và long nhãn.
Theo ước lượng của ông Thơ, giá nhãn chỉ thấp, tụt khoảng 10 -15% so với cùng kỳ năm trước do đúng vào dịp nhãn bán thuận lợi thì bùng phát đợt 2 dịch COVID-19. “Khó khăn hiện nay là với các sản phẩm nhãn không được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Hơn nữa, do dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng đến việc vận chuyển vào miền Trung bị đình trệ” - ông Thơ nói.
Trả lời câu hỏi, việc tiêu thụ nhãn gặp khó khăn có nguyên nhân bị động trước dịch COVID-19 hay không, ông Thơ cho hay: “Từ đầu năm tỉnh đã xây dựng các hoạt động xúc tiến thương mại để tuyên truyền quảng bá. Khi triển khai tiêu thụ (từ 25/7, khi dịch COVID-19 quay trở lại), Sở phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị xúc tiến trực tuyến ngày 13/8”. Theo ông Thơ, sau hội nghị, một số cơ sở chế biến đã tiến hành xuất nhãn sấy khô sang thị trường Trung Quốc và doanh nghiệp Trung Quốc đang ở địa phương cùng người Việt mua tại cửa vườn với sản lượng 10 tấn/ngày.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực thu mua nông sản, ngày 13/8 đến nay là thời điểm gần như cuối vụ nhãn, lúc đó nhiều thương lái Trung Quốc hủy hợp đồng tiêu thụ nhãn nên hội nghị xúc tiến nêu trên cũng không mang nhiều ý nghĩa.
Theo báo cáo ngày 13/8 của Sở Công Thương tỉnh Sơn La (một tỉnh mới phát triển vùng trồng nhãn những năm qua nhưng có sản lượng lớn hơn cả Hưng Yên), giá nhãn cũng xuống thấp kỷ lục. Cụ thể, nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La niên vụ 2020 ước đạt 17.397ha (diện tích đã cho thu hoạch là 10.597 ha); sản lượng nhãn ước đạt 94.858 tấn.
Từ đầu vụ đến ngày 13/8, trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ 65.503 tấn; giá nhãn được sở này thống kê dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg; giá nhãn chọn loại 1 dao động từ 8.000 - 11.000 đồng/kg. Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng cho biết, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và việc tiêu thụ nhãn (dù không còn nhiều) phụ thuộc vào diễn biến của dịch.
Tại Hải Dương, một địa phương cũng có truyền thống trồng nhãn (với sản lượng năm nay ước đạt 10.000 tấn) và đang là vùng dịch COVID-19, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, giá nhãn năm nay thấp do năng suất cao, một phần ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Hải Dương tập trung sản xuất và bán cho các thị trường khó tính Pháp, ÚC, Nhật được khoảng 250 tấn nên cũng đỡ ảnh hưởng.
Giữa mùa nhãn mới xúc tiến thương mại
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã phối hợp với các ngành khác tổ chức các hoạt động xúc tiến (tổ chức các điểm cầu với tham tán thương mại 8 nước vào ngày 13/8), để giúp bà con tiêu thụ nhãn Hưng Yên và Sơn La.
Theo ông Hòa, năm nay, sản lượng nhãn được mùa nhưng đầu ra bị thắt chặt nên bị giảm giá. Hơn nữa, dịch COVID-19 đang bùng phát, phía khách hàng nhập khẩu rất chặt chẽ trong quy trình kiểm tra hàng qua biên giới, dẫn đến ùn tắc và giảm giá. Ông Hòa cũng thừa nhận, mùa vải vừa qua được tổ chức xúc tiến thương mại ngay từ đầu nên bán khá tốt, còn mùa nhãn đến giữa vụ mới xúc tiến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận