Nửa tỷ USD tài sản của Chứng khoán Kỹ Thương nằm ở trái phiếu?
Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) nằm trong số ít các công ty chứng khoán huy động thêm nguồn vốn mới từ các cổ đông trong nửa đầu năm 2023. Theo báo cáo tài chính quý 2 vừa công bố, vốn điều lệ tăng chưa đến 2 lần, từ 1.126 tỷ đồng lên 2.177 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá chào bán cổ phiếu lên tới 97.542 đồng, TCBS thu về 10.242 tỷ đồng từ đợt phát hành trên.
Cùng với phần lợi nhuận tăng thêm trong kỳ, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán này đạt 22.004 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Chứng khoán SSI (21.404 tỷ đồng)– công ty dẫn đầu về giá trị vốn tự có theo thống kê tại ngày 31/3/2023.
Đến nay, vẫn còn khá nhiều CTCK quy mô lớn chưa công bố báo cáo tài chính quý 2, một số mới gửi báo cáo tài chính công ty mẹ. Cập nhật đến sáng ngày 20/7, TCBS đang tạm giữ “ngôi vương” trong nhóm các công ty chứng khoán về chỉ tiêu tài chính trên.
Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu TCBS đạt xấp xỉ 101.000 đồng. Tuy nhiên, xét về quy mô tổng tài sản/nguồn vốn, dù đã tăng 33% trong nửa đầu năm lên xấp xỉ 34.775 tỷ đồng, TCBS vẫn đang “thua xa” top dẫn đầu như SSI (49.496 tỷ đồng).
Ngoài việc được bổ sung thêm vốn góp từ cổ đông mẹ Techcombank, TCBS còn tăng huy động vốn từ kênh tín dụng (thêm 4.600 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ kênh trái phiếu lại giảm nhẹ hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi đó, trái phiếu lại là tài sản được đầu tư tăng thêm nhiều nhất trong kỳ.
Đến cuối quý 2, TCBS sở hữu 13.460 tỷ đồng trái phiếu, tăng 87% so với mức hơn 7.210 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, đa phần là trái phiếu chưa niêm yết (12.570 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, công ty giảm đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, giá trị đầu tư cổ phiếu không thay đổi đáng kể nhưng cơ cấu danh mục chuyển sang sở hữu nhiều hơn cổ phiếu niêm yết. TCBS cũng có thêm một khoản đầu tư dài hạn khác (không nêu chi tiết loại tài sản) trị giá hơn 3.033 tỷ đồng.
Phân bổ khá nhanh vào các tài sản tài chính vỏn vẹn sau 2 tuần kể đợt tăng vốn ngày 15/6, lượng tiền và tương đương tiền của TCBS đến cuối quý 2 vẫn còn 5.761 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần thời điểm đầu năm. Ngoài ra, dư nợ cho vay margin tại thời điểm 30/6 cũng tăng so với đầu năm nhưng khá khiêm tốn (+8,8%) do phụ thuộc lớn vào nhu cầu vay của các khách hàng là nhà đầu tư trên thị trường.
Lãi từ hoạt động cho vay và các khoản phải thu trong quý 2 đạt 398 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bắt đầu đi lên so với quý đầu năm. Tương tự, với doanh thu môi giới, TCBS thu về gần 110 tỷ đồng, cũng đi lên từ mức thấp kỷ lục gần 3 năm xác lập hồi đầu năm. So với cùng kỳ, doanh thu môi giới vẫn giảm hơn nửa.
Nếu chỉ xét riêng về con số thị phần, TCBS là điểm sáng trong nhóm công ty chứng khoán quý 2 khi có sự bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng. Gia nhập top 10 môi giới chưa quá lâu, thứ hạng của TCBS đã bật lên từ vị trí thứ 8 ở quý 1 lên vị trí thứ 4 trong quý vừa rồi, “qua mặt” nhiều công ty chứng khoán lớn vốn đã trụ lại lâu năm trong top 10 như Chứng khoán Vietcap, MBS... Chính sách miễn phí giao dịch giúp công ty bứt phá về thị phần nhưng đồng thời cũng đang trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn doanh thu quan trọng.
Trong quý 2/2023, doanh thu môi giới và lãi từ cho vay chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu. Nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành cũng giảm so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động do vậy giảm tới gần 20%, đạt 1.084 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của TCBS đạt hơn 442 tỷ đồng, giảm 1/3 so với cùng kỳ.
Do hầu hết các mảng kinh doanh đều ghi nhận doanh thu lợi nhuận giảm mạnh dẫn đến quý 2/2023, TCBS báo lãi sau thuế còn 442 tỷ đồng, giảm 33,7%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS báo lãi đạt 775 tỷ đồng giảm 52% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận