Nữ môi giới bất động sản: Nghề lắm gian nan, phải "chiến đấu để tồn tại"
Với các nữ môi giới bất động sản, đây là nghề vất vả, bước vào nghề này là không hề có sự ưu tiên, ưu ái nào cho phụ nữ. Tất cả cùng phải chiến đấu để tồn tại, để tiếp tục bán hàng.
Thị trường khó khăn, môi giới bỏ nghề nhiều
Thống kê của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) trong suốt nửa cuối năm 2022 sang đến 3 quý của năm 2023, thị trường bất động sản khó khăn và nhân sự ngành bất động sản liên tục sụt giảm. Theo ước tính của VARS, hơn 80% các công ty môi giới bất động sản đã phải cắt giảm nhân sự, số lượng môi giới đã rời nghề là khoảng 30%-40%. Ví dụ tiêu biểu nhất cho việc sụt giảm là Đ.X - một tập đoàn có tiếng chuyên bán bất động sản đã cắt giảm khoảng 1/3 nhân sự trong thời gian qua, lợi nhuận giảm 80% so với năm 2023.
Trên thực tế, số lượng môi giới bất động sản nghỉ việc, rời công việc còn có thể cao hơn. Trong đó, lực lượng các nữ môi giới bất động sản là rất lớn. Khi thị trường đi xuống, môi giới luôn là đối tượng nhận thấy rõ và trực tiếp nhất sự ảnh hưởng.
Thị trường đi xuống, môi giới bỏ nghề nhiều và những nữ môi giới hiện tại trụ lại, tiếp tục bám trụ với nghề đều phải "chiến đấu" cật lực.
Môi giới bất động sản là nghề có tính đào thải cực cao, "trăm người làm thì chỉ vài người trụ lại được với nghề" là câu nhận định chung của nhiều môi giới dày dạn kinh nghiệm.
Với nghề môi giới, đăng tin - dẫn khách - chốt nhà là quy trình cơ bản. Với môi giới, kỹ thuật đăng tin là cái đầu tiên cần phải học. Đăng tin với nội dung như thế nào để thu hút, để lọc ra được phân khúc khách hàng, để sản phẩm trở nên hấp dẫn nhất, rồi đăng lên các nền tảng nào để "ra khách" là điều đầu tiên phải rèn luyện. Sau bước đầu tiên đăng tin, nếu ra khách thì sẽ là bước dẫn khách. Đưa khách đến xem nhà, làm việc với chủ nhà nếu là nhà dân hoặc nhà dự án, rồi chốt được thành công thương vụ mua bán. Rất nhiều môi giới đã bỏ nghề sau một thời gian thử việc, miệt mài đăng tin không có khách, hoặc đến được bước thứ hai nhưng miệt mài dẫn khách mãi vẫn chưa chốt được nhà thành công.
Chuyện "đăng 100 tin, 10 khách liên hệ, 1 khách đi xem nhà" là chuyện rất bình thường với những môi giới. Với 1 ngôi nhà, chuyện dẫn đến vài chục khách đi xem là chuyện rất bình thường, chuyện "nói khô cả họng, dẫn mỏi cả chân" chưa bán được nhà cũng là chuyện rất thường gặp với nghề môi giới. Câu nói "nghề này trước hết cần sự kiên trì" luôn là câu đầu tiên mỗi môi giới nhận được khi bước chân vào nghề, mà phụ nữ thường lại là những người có sự nhẫn nại, kiên trì tốt hơn so với cánh đàn ông.
"Cắt cầu", "cắt máu"
"Nghề này không hề đơn giản và thực sự vất vả. Thương trường như chiến trường, bước chân vào đây rồi thì làm gì có chuyện phận nữ nhi được thương xót. Cuộc sống mà, muốn tồn tại được, phải chiến đấu thôi", một nữ môi giới chia sẻ.
"Cắt cầu" hay cả "cắt máu" là những thuật ngữ người ngoài chưa hiểu mới nghe qua thấy hơi… rờn rợn nhưng lại là thuật ngữ quá quen thuộc với dân môi giới bất động sản và cũng nói lên những sự vất vả đắng cay của nghề này. Các nữ môi giới lâu năm hầu hết đều từng nếm trải qua và hiểu rõ những thuật ngữ này.
Môi giới là người kết nối giữa người có bất động sản muốn bán và người có nhu cầu muốn mua nhà. Người bán thì muốn bán được nhanh, được giá, người mua thì muốn mua được bất động sản tốt, giá rẻ xuống, có khả năng tăng giá. Đôi bên gặp gỡ được nhau, còn trải qua đủ thứ thủ tục mới có thể hoàn tất khâu mua bán. Môi giới là người đứng giữa, kết nối chủ muốn bán, khách muốn mua, cân bằng quyền lợi sao cho tìm được tiếng nói chung, hỗ trợ thủ tục pháp lý để hoàn thiện việc chuyển nhượng bất động sản. Bao thứ cần phải làm, có lợi cho đôi bên và hoa hồng là khoản thù lao mà môi giới xứng đáng được nhận sau những thương vụ mua bán thành công này.
Thế nhưng, đôi khi chủ bán và khách mua cho rằng "môi giới không mất gì mà có tiền", sau khi gặp được nhau rồi thì tìm cách tự thỏa thuận mua bán với nhau, "đá" môi giới sang chỗ khác. Hành động này được dân trong nghề gọi bằng thuật ngữ "cắt cầu". Dù đã có hợp đồng môi giới ký với chủ nhà, thỏa thuận % hoa hồng rõ ràng, song các nữ môi giới nhất là mới vào nghề, ít kinh nghiệm vẫn cứ đôi lần dính phải những vụ "cắt cầu" này. Mua bán xong cái nhà tiền cả chục tỉ, anh chủ nhà lật kèo, nói với cô môi giới "ngoan thì anh cho em mấy đồng gọi là tiến xăng xe, uống nước, còn em thích kiện cáo thì cứ thoải mái" vẫn cứ có nguy cơ xảy ra.
Làm bất động sản cũng khó có ai làm được một mình, các môi giới luôn phải có đội nhóm, "em có hàng, ai có khách kết nối" là thông điệp quen thuộc. Nhiều nam đồng nghiệp hỗ trợ rất tốt, kết hợp tốt là ra tiền nhưng tình trạng "giật khách, cướp hàng" của nhau cũng là chuyện quá bình thường ở "chợ". Nữ môi giới Hồng Châm từng gặp tình trạng mình vừa làm việc được với một chủ nhà, gửi thông tin cho đồng nghiệp thì hôm sau môi giới này nhảy làm thỏa thuận khác với chủ nhà, chịu nhận mức hoa hồng thấp hơn để "cướp hàng". Trường hợp khác là môi giới có khách, giới thiệu kết nối cho đồng nghiệp, hôm sau thì "anh mua của em này, rẻ hơn, mua của cái con bé đấy làm gì", hoặc đến khi mua bán xong, lẽ ra "đầu khách" nhận được 1 khoản hoa hồng nhất định nhưng "bạn là ai chúng tôi không quen, bạn đâu có liên quan gì".
"Cắt máu" là thuật ngữ chỉ việc môi giới tự cắt phần thu nhập, hoa hồng của mình ra, bù vào cho khách để cạnh tranh với đồng nghiệp, đội nhóm khác. Tình trạng này hay xảy ra khi bán dự án, với nhiều đội nhóm, nhiều môi giới cùng lúc tham gia bán hàng. Nhiều nữ môi giới tư vấn khách đến khô cả họng, sắp chốt tới nơi rồi thì khách chuyển qua mua của người khác bởi "anh thấy bạn ấy chiết khấu tốt hơn".
Bất động sản thời kỳ khó khăn, khách hàng và cơ hội bán hàng ngày càng kham hiếm, một nhà đầu tư biết bao môi giới chăm sóc. Cạnh tranh cao, vất vả nhiều hơn, cay đắng cũng có, và không hề có ưu ái nào dành cho nữ giới, tất cả cùng phải "chiến đấu để mà sống".
Theo Phụ nữ Việt Nam
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận