Nóng tuần qua: Quỹ vaccine Covid-19 nhận 160 tỷ đồng và 4 triệu liều
Bộ Y tế cho biết đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine.
Quỹ vaccine Covid-19 nhận 160 tỷ đồng và 4 triệu liều
Sáng 21/5, Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19 tiếp nhận 100 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank thông qua sự vận động của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, mỗi ngân hàng ủng hộ 25 tỷ đồng.
Bộ Y tế cho biết đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine.
Cùng ngày, Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19, Tập đoàn Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sự hỗ trợ của ngành ngân hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế cho biết đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vaccine. Đến nay, đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm nay, gồm 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Đồng thời, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Đề xuất giảm giá điện, tiền điện do ảnh hưởng Covid-19
Theo đại diện Bộ Công Thương, đơn vị này đang khẩn trương nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng Công ty Điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau.
Theo Bộ Công Thương, việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đã góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics.
Đề xuất Chính phủ tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân sản xuất
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - VASI đã thực hiện khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đề xuất của hội viên. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch, nhưng vẫn thường trực nguy cơ lây nhiễm, đe dọa ngừng sản xuất.
Để thực hiện được "mục tiêu kép" của Chính phủ, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, VASI đã có văn bản đề xuất gửi tới Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương về các vấn đề liên quan đến nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 và các hỗ trợ sau dịch.
Theo đó, nguyện vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp CNHT hiện nay là Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine và ưu tiên cho đối tượng là người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, đảm bảo hoạt động liên tục, đóng góp chi nền kinh tế và giữ vững uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong công nghiệp chế tạo toàn cầu.
Bộ GTVT tức tốc đặt hàng bảo trì đường sắt quốc gia sau "lệnh" Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24/5.
Ngay sau "lệnh" của Thủ tướng, ngày 20/5, Bộ GTVT có văn bản gửi các đơn vị có liên quan là Vụ Kết cấu hạ tầng, Tài chính, Pháp chế, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam trên cơ sở kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, quyết định giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ GTVT, ký Hợp đồng đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Chủ tịch Bắc Giang đề nghị Thủ tướng chỉ đạo tiêu thụ nông sản
Để giúp việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được thuận lợi, gỡ khó về đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ một số nội dung sau: Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển các sản phẩm nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.
UBND tỉnh Bắc Giang cam kết những sản phẩm của tỉnh chuyển đi tiêu thụ đảm bảo an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận: Xe vận chuyển được khử khuẩn, lái xe và người giao hàng được xét nghiệm an toàn, khỏe mạnh).
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố tích cực tham gia tiêu thụ nông sản của Bắc Giang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận