Nóng tuần qua: Hé lộ khoản chi "luật lá" trong vụ livestream bán hàng lậu doanh thu khủng
Nhiều chi tiết, con số đáng chú ý trong vụ tổng kho lậu của Trần Phú Thành (sinh năm 1992) ở Lào Cai đã được cơ quan chức năng thông tin sau nhiều ngày tiến hành kiểm tra, rà soát.
Bán hàng lậu thu về hàng trăm tỷ đồng: Hé lộ khoản chi “luật lá"
Với cả nghìn đơn hàng được gửi đi mỗi ngày, kho hàng lậu của Trần Thành Phú, sinh năm 1992 tại Lào Cai có doanh thu “khủng" chỉ nhờ livestream, bán hàng trên Facebook.
Theo thông tin từ đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, tổng kho hàng lậu này rộng hơn 10.000 m2. Tính từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Qua điều tra của Tổng cục QLTT, tổng các loại chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng là khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có 1 loại chi phí được kê “luật lá” là 20 triệu đồng/tháng.
Qua phát giác vụ việc này, đại diện Tổng cục quản lý thị trường còn cho biết người tiêu dùng còn đang đối mặt với một rủi ro rất lớn đó là mất thông tin cá nhân.
Cụ thể khi rà soát tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện một hệ thống phần mềm đồ sộ và chuyên nghiệp cho chốt đơn trên các bình luận của 1 buổi livestream được nhóm đối tượng cài đặt trên tất cả máy tính tại tổng kho.
Quan trọng nhất nó giúp nhóm đối tượng lấy UID (mã định danh người dùng) của người dùng trên mạng xã hội Facebook. Với UID của người dùng, kẻ xấu có thể lợi dụng xác định được tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại…
Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra liên ngành mặt hàng thịt lợn.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đến người bán cuối cùng trực tiếp cho người tiêu dùng đối với mặt hàng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn trên thị trường.
Đối tượng kiểm tra là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu khác nhau trong toàn bộ chuỗi chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng lợn giống, lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn.
Hơn nửa lượng hàng bán ra tại Việt Nam là khuyến mại
Nghiên cứu gần đây của Nielsen cho thấy Việt Nam là thị trường rất nhạy cảm về giá.
Hơn 80% người tiêu dùng chú trọng sự thay đổi giá cả khi mua sắm.
Năm 2019, độ co giãn về giá (price elasticity) tại Việt Nam là 2, tức người tiêu dùng tăng 2% lượng mua sắm khi giá cả giảm 1%. Đây là mức co giãn cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khi chỉ số này tại các thị trường lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan lần lượt là 1,9; 1,7 và 1,6.
Vậy nên, chiến lược thay đổi về giá và khuyến mại của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo hãng nghiên cứu này, chưa cần đến đại dịch Covid-19, 56% lượng hàng bán ra tại Việt Nam đã đến từ các chương trình khuyến mại.
Tuy nhiên, với mỗi USD khuyến mại, các nhà sản xuất chỉ thu thêm 0,29 USD doanh thu.
Mức tăng này được Nielsen đánh giá là thấp so với trung bình 0,5 USD trên toàn cầu.
Do đó, trước khi thay đổi chiến lược giá và khuyến mại, doanh nghiệp cần có bức tranh tổng quát về thị trường và nghiên cứu chi tiết độ co giãn về giá của từng ngành hàng ở từng kênh bán hàng.
Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Thủ tướng vừa có chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, trong đó yêu cầu dừng nhập khẩu động vật hoang dã dù còn sống hay đã chết.
Theo chỉ thị, hiện nay, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Điều này làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài, ảnh hưởng cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín đất nước trên trường quốc tế. Việc này cũng gây rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc và gia cầm.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng cho phép.
Quyết định này không áp dụng với các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật, hoặc bộ phận đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh.
Nghi vấn chuyển giá hàng nghìn tỷ tại Nhôm Toàn Cầu
Công ty Nhôm Toàn Cầu nâng 5-7 lần giá thuê kho bãi và chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài, theo Kiểm toán Nhà nước.
Vụ việc được Kiểm toán Nhà nước phát hiện khi kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ tháng 3-6 năm nay.
Cơ quan này vừa đề nghị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) điều tra hành vi chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa Vũng Tàu) và trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL (Công ty PTL).
Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu đã ký hợp đồng thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu với Công ty PTL trong 5 năm, với giá thuê bình quân 7,2 USD mỗi m2 một tháng. Mức này cao gấp 5-7 lần so với giá mà Công ty PTL thuê của các đơn vị khác (dao động 1-1,53 USD mỗi m2 một tháng).
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi bất hợp lý, Công ty Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang Công ty PTL số tiền 2.680 tỷ đồng, tương đương hơn 78,7% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015-2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận