Nông sâu năng lực nhà thầu cao tốc Bắc Nam
Những nhà thầu tên tuổi, có năng lực tài chính và kinh nghiệm lâu năm sẽ là bảo chứng cho sự thành công của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, sáng 30/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đã khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và dự án Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Nhà thầu của 3 dự án trên lần lượt là: Liên danh Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính (dự án Phan Thiết - Dầu Giây); liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và liên danh CTCP Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Tổng Công ty 319 và Công ty TNHH Định An (dự án Mai Sơn - quốc lộ 45).
3 dự án này khi hoàn thành và đưa vào khai thác cùng với các dự án thành phần khác được kỳ vọng sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Khi dự án cao tốc Bắc Nam hoàn thành thi công, đây sẽ là tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm.
Cũng bởi thế mà danh tính cũng như năng lực của các nhà thầu thi công các thành phần của dự án này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Vinaconex là pháp nhân có nền tảng tài chính mạnh, và năng lực thi công không phải bàn cãi. Khối tài sản tới cuối năm 2019 của doanh nghiệp này đạt hơn 19.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.630 tỷ đồng, doanh thu ngót 10.000 tỷ đồng và lãi sau thuế vượt 700 tỷ đồng.
Đơn vị còn lại trong liên danh là Trung Chính TC cũng là pháp nhân mang tới sự an tâm cho dự án khi trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của doanh nghiệp này luôn duy trì quanh mức 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Trung Chính TC lần lượt đạt 942,3 tỷ đồng và 1.576,8 tỷ đồng, năm 2019 là 1.609,5 tỷ đồng. Dù vậy, hiệu quả kinh doanh lại là vấn đề đáng bàn khi Trung Chính TC chỉ thu về khoản lãi thuần "bé hạt tiêu", các năm 2016-2017 là 3,87 tỷ đồng và 4,76 tỷ đồng, trước khi giảm mạnh về 3 tỷ đồng năm 2018 hay 1 tỷ đồng năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Trung Chính TC đạt 1.626,5 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu đạt mức 139,29 tỷ đồng.
Với liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hai trong số 3 cái tên trong nhóm này là Thăng Long và Đạt Phương đều đã được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã lần lượt là TTL và DPG, doanh thu hàng năm dao động trên mức nửa nghìn tỷ. Trong năm 2019, doanh thu của TTL là 784 tỷ đồng còn DPG là 1.973 tỷ đồng, lãi sau thuế lần lượt 15 tỷ đồng và 222,7 tỷ đồng.
Về phần mình, mặc dù chưa công khai thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, song 4 năm trở lại đây theo dữ liệu mà Nhadautu.vn có được thì doanh thu của Tự Lập Co., Ltd cũng duy trì trên mức 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tự Lập lần lượt đạt 1.005,3 tỷ đồng và 1.008,6 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 2,1 tỷ đồng và 4,9 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, doanh thu thuần của Tự Lập đạt 2.038,5 tỷ đồng, cao hơn 612 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018; lãi thuần ở mức 37,8 tỷ đồng (năm 2018 lãi thuần 8,4 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tự Lập đạt 2.592,9 tỷ đồng, tăng 47% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu đạt mức 1.641,8 tỷ đồng.
Với CTCP Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Tổng Công ty 319 và Công ty TNHH Định An tại dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, đây cũng là liên danh mang lại sự yên tâm lớn với sự có mặt của một “ông lớn” thuộc Bộ Quốc phòng và một doanh nghiệp quy mô nghìn tỷ của tỉnh Ninh Bình - Cường Thịnh Thi. Trong năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận thuần của Tập đoàn Cường Thịnh Thi lần lượt đạt 1.636,9 tỷ đồng và 7,93 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức 3.953 tỷ đồng.
So với hai doanh nghiệp trên thì kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Định An có phần “lép vế” hơn. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Định An chỉ đạt 17,37 tỷ đồng, giảm đến 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018; thậm chí công ty này còn lỗ thuần 3,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, các nhà thầu của dự án cao tốc Bắc Nam “chắc chắn không kém năng lực”, theo khẳng định của ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT).
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết (Bộ GTVT) cho biết đặc biệt quan tâm tới việc kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình ngay từ bước lựa chọn nhà thầu. Để có thể lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công các dự án trọng điểm quốc gia, có yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ mời thầu với các yêu cầu tối thiểu mà các nhà thầu phải đáp ứng.
Theo đó, các nhà thầu được yêu cầu phải có xác nhận của tổ chức tín dụng có số dư tiền gửi với hạn mức tối thiểu (được xác định theo quy mô gói thầu) và cam kết phong tỏa số tiền này để thực hiện gói thầu đang xét (không xác nhận chung cho gói thầu khác); đồng thời phải đáp ứng yêu cầu về thời gian hoạt động xây dựng công trình giao thông lớn hơn hoặc bằng 5 năm và yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự được đánh giá trong vòng 5 năm gần đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận