menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy An

Nông nghiệp cần chính sách phát triển chiều sâu

Cần có nhiều chính sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Đó cũng là một nội dung mà nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội này.

Đến nay cùng với hạ tầng nông thôn từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới gắn liền với kết quả tích cực từ việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 3.838 xã đạt 43,02% và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra.

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) nhìn nhận đây là kết quả hết sức phấn khởi là thành quả to lớn khẳng định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là chủ trương đúng đắn, quyết sách hợp lòng dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện nông thôn mới giữa các địa phương, các vùng miền còn khá lớn.

Đơn cử như các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng có 75,33% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả này lần lượt ở các địa phương sẽ là Đông Nam bộ có 67,64%, Duyên hải Nam Trung bộ có 39,03%, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 35,48% trong khi đó các địa phương ở vùng miền núi phía Bắc chỉ có 21,54% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum) cũng cho rằng, sự chênh lệch về mức sống, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn khá xa và có xu hướng xa hơn. Chúng ta có gần 70% dân số dựa vào đồng ruộng, vườn, rẫy nhưng việc sản xuất vẫn đang trong tình trạng tự bơi là chính, ở tâm thế may nhờ rủi chịu, chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa. Trong khi đó, biện pháp hỗ trợ, các giải pháp tháo gỡ chỉ là những biện pháp, giải pháp tình thế và sẽ không giải quyết được một cách căn cơ thực trạng.

Bởi vậy, cần chuyển biến tư duy từ hỗ trợ chính sách sang đầu tư quy hoạch chiến lược, phải coi việc ưu tiên quan tâm cho nông nghiệp, miền núi, Tây Nguyên là trách nhiệm. Từ đó làm cơ sở để xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong xây dựng chính sách và triển khai thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, miền núi và Tây Nguyên.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra nông nghiệp đang đứng trước những bước ngoặt mới, đó là sản xuất trong điều kiện, bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường trong khi chuyển đổi sang các mô hình sản xuất thích ứng chưa rõ, chưa đánh giá hiệu quả của từng mô hình để nhân rộng. Chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy sản xuất kinh tế nhưng nội hàm kinh tế chưa được nhận thức một cách đầy đủ, còn một khoảng khá xa giữa công tác hoạch định chính sách các nội hàm kinh tế với hàng chục triệu nông dân.

Để vượt qua những trở ngại này, các đại biểu nhấn mạnh ngành nông nghiệp nước ta cần thay đổi cách nghĩ, cách làm trên một số việc cụ thể như: cần sớm có bộ phận chuyên trách thông tin bao gồm quy mô các vùng sản xuất, trong đó có chú trọng các mô hình đã được chứng nhận Vietgap, Probi gap, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giá cả thị trường các công nghệ bảo quản sơ chế, chế biến, thông tin về các doanh nghiệp tiêu thụ và các hóa chất không được sử dụng theo yêu cầu của từng thị trường.

Cùng với việc rút ngắn con đường tìm đến các giải pháp hữu ích cho ngành nông nghiệp, chủ động nguồn giống cây trồng vật nuôi, cần thành lập và củng cố các hoạt động của hiệp hội ngành hàng nông sản, thông qua các hiệp hội ngành hàng sẽ định hướng sản xuất trong ngắn hạn từng mùa vụ. Quan trọng hơn là xây dựng chiến lược sản xuất, bảo quản, chế biến kinh doanh, xác định thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu mang tính dài hạn.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cần khẩn trương, kịp thời có cơ chế chính sách rõ ràng đồng bộ trong khu vực nông nghiệp, đảm bảo đổi mới mô hình tăng trưởng theo đúng hướng phát triển chiều sâu chứ không phát triển theo chiều rộng.

Muốn làm được điều đó, cần phải có quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch về thị trường, về sản phẩm chủ đạo của từng vùng, phải có những cơ chế để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn trong sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, sớm sửa đổi Luật Đất đai để đẩy nhanh việc tích tụ lượng đất, tăng hạn điền để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ những hạn chế về quy mô sản xuất manh mún để nền nông nghiệp Việt Nam thực sự chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm an toàn. Đồng thời có cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng cho chương trình, mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Nông nghiệp đang đứng trước những bước ngoặt mới, đó là sản xuất trong điều kiện, bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường trong khi chuyển đổi sang các mô hình sản xuất thích ứng chưa rõ, chưa đánh giá hiệu quả của từng mô hình để nhân rộng. Chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy sản xuất kinh tế nhưng nội hàm kinh tế chưa được nhận thức một cách đầy đủ, còn một khoảng khá xa giữa công tác hoạch định chính sách các nội hàm kinh tế với hàng chục triệu nông dân.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại