Nông nghiệp – Điểm nóng trong đàm phán thương mại (Phần 1)
Khi thế giới đổi thay và công nghệ phát triển, ngành nông nghiệp toàn cầu đánh mất dần tầm ảnh hưởng chính trị trong tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại.
Thị trường Nhật Bản sẽ sớm mở cửa cho nông sản của người Mỹ và Tokyo cũng xác định sẵn sàng hy sinh ngành nông nghiệp trong đàm phán thương mại với Mỹ để bảo hộ các ngành công nghiệp khác. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cố chống cự một cách không nhượng bộ về nông nghiệp khi đàm phán thương mại với Mỹ nhưng những thương thảo giữa Mỹ và Trung Quốc lại có thể sẽ tiến triển theo hướng có lợi cho những người nông dân Mỹ, giữa lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới gần.
Trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo và địa chính trị toàn cầu Stratfor số ra mới đây có bài phân tíchrằng ngành nông nghiệp dù lao đao vẫn sẽ là vấn đề sống còn trong đàm phán thương mại của các nước lớn, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp của Mỹ cũng như nhiều nước khác phải hứng chịu hết cú sốc này đến cú sốc khác. Tài liệu tổng điều tra nông nghiệp trong thời kỳ 5 năm vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố mới đây cho thấy, hình ảnh ngành nông nghiệp Mỹ ngày càng già cỗi, vật lộn với nợ nần và phá sản.
Trong những tháng gần đây, nông dân Mỹ phải đối mặt với tình hình bấp bênh do đợt đóng cửa chính phủ kéo dài và chậm chi các khoản hỗ trợ cho nông nghiệp, chưa kể tình trạng ngành nông nghiệp luôn bị biến thành “con bài” mang đi mặc cả trong các chính sách thương mại của Nhà Trắng. Giờ đây, khi cuộc đua vào Phòng Bầu Dục không còn xa, chính quyền đương nhiệm của Mỹ lại tìm mọi cách để duy trì được sự ủng hộ chính trị của ngành sản xuất thiết yếu này.
Chính các bang chủ yếu sản xuất nông nghiệp đã giúp ông Trump thắng cử và trở thành Tổng thống hồi năm 2016 nhưng các chính sách thương mại của Mỹ từ đó đến nay lại hy sinh lợi ích trước mắt của nông dân Mỹ để đổi lấy bảo hộ và phát triển các ngành chiến lược khác. Tuy nhiên, khi nhận ra hậu quả to lớn nếu không coi trọng ngành nông nghiệp đúng mức, ông Trump đã lập tức cấp ngay hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân và đặt nông nghiệp lên vị trí trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại.
Mặc dù vậy, kể cả có được các cam kết bảo hộ chính trị thì trong tương lai, người nông dân Mỹ vẫn phải đối diện với các xu hướng địa chính trị, nhân tố sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện ngành vốn được coi là có vị trí trọng tâm trong nền kinh tế Mỹ. Những yếu tố thay đổi về công nghệ và dân số lâu dài sẽ khiến nông nghiệp mất dần tầm ảnh hưởng của nó không chỉ ở Mỹ, mà cả ở châu Âu và Nhật Bản.
Nhưng hiện tại, động cơ chính trị cần những lá phiếu bầu của ngành nông nghiệp và tinh thần dân tộc mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ, nhất là đối với những vấn đề như các quy định xuất xứ hàng hóa, đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp Mỹ sẽ vẫn có chỗ đứng danh dự trong các cuộc đàm phán thương mại.
Những yếu tố truyền thống khiến ngành nông nghiệp của Mỹ có tầm ảnh hưởng chính trị, như số người đông làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp lớn trong tăng trưởng nền kinh tế chung và có sức nặng trong các chiến dịch vận động hành lang. Tuy nhiên, ảnh hưởng này giờ đây ngày càng giảm dần.
Ngành nông nghiệp Mỹ đối diện với ngày càng nhiều vụ phá sản, những người còn gắn bó với ngành ngày càng già đi, chưa kể các công nghệ mới được ứng dụng trong ngành nông nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Tất cả các yếu tố này sẽ khiến nông nghiệp ngày càng ít có ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ nói chung và điều quan trọng hơn nữa là sức ảnh hưởng của nó trong các cuộc đàm phán thương mại sẽ giảm đi.
Ở châu Á, Nhật Bản cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Dân số nước này ngày càng giảm, ngành nông nghiệp cũng suy yếu dần và tầm ảnh hưởng của ngành nông nghiệp cũng ít dần đi.
Trong Liên minh châu Âu (EU), ngân sách chi cho Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP) đã giảm song song với sự giảm dần số dân gắn bó với nghề nông. Chỉ có ở Brazil và Australia là những nước có dân số ít và đất đai rộng lớn thì nông nghiệp vẫn có thể phát triển. Tuy vậy, những yếu tố làm nên sức mạnh của ngành nông nghiệp Mỹ, Nhật Bản và châu Âu không thể biến mất chỉ qua một đêm, cho nên trước mắt nông nghiệp vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định và vẫn có vị trí trung tâm trong nhiều cuộc đàm phán thương mại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận