24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khánh Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nóng dần thị trường LNG: Hàng tỷ USD chờ chính sách để xuống vốn

Thực tế, thị trường LNG tại Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng.

Thị trường khí tự nhiên hoá lỏng LNG đang thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Tuy nhiên, cơ chế chính sách trong lĩnh vực này vẫn đang thiếu.

Vốn ngoại mạnh tay

AG&P LNG - công ty hàng đầu về kho cảng và cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thuộc Tập đoàn Nebula Energy đã mua lại 49% cổ phần của kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Cái Mép. Đây là cảng nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm dầu mỏ được phát triển và xây dựng bởi Công ty TNHH Hải Linh của "đại gia xăng dầu" Lê Văn Tám tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Lê Văn Tám, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hải Linh cho biết: “Với sự hợp tác này, chúng tôi sẽ có thể đẩy nhanh quá trình khởi động và vận hành kho LNG tại Việt Nam và phục vụ nhu cầu LNG đang tăng theo cấp số nhân ở nước ta”.

Ngoài ra, AG&P LNG còn thành lập liên doanh với Hải Linh là Vietfirst LNG Trading để kinh doanh và nhập khẩu LNG. Thực thể này dự kiến ​​sẽ nhận được giấy phép nhập khẩu trong vòng 6 tuần tới.

Trong một diễn biến khác, tập đoàn Gulf (Thái Lan) mong muốn phát triển dự án Điện khí LNG công suất khoảng 6.000MW tại tỉnh Nam Định. Hiện tại, theo quy hoạch, trên địa bàn Nam Đình có Dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1 với vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.

Dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1 đã triển khai những bước ban đầu trong quy trình đầu tư tại huyện Hải Hậu từ trước năm 2010. Trong đó, có việc tỉnh đã dành một diện tích đất lớn để phục vụ việc di dân, tái định cư, lấy đất phục vụ dự án.

Tuy nhiên, tới ngày 2/7/2017, tại Nam Định, dự án mới chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.109,4 MW, gồm hai tổ máy. Thời gian dự kiến khởi công vào giữa năm 2018. Song, sau khi được trao chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án gặp vướng mắc, đã “ngủ yên” trong nhiều năm qua.

Cũng cách đây ít ngày, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư.

Trong đó có các tên tuổi lớn như: Tổ hợp nhà đầu tư: JERA Co.Inc và Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT); Nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; Nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (T&T Group).

Đây là dự án lớn thứ 3 của Thanh Hoá sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. Theo dự kiến, Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư trong quý II/2024.

Nhưng thiếu cơ chế, chính sách

Thực tế, thị trường LNG tại Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, song theo TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam thị trường LNG còn gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Theo đó, ông Thập khẳng định khó khăn và thách thức lớn nhất trong phát triển điện khí LNG là chúng đang đang thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khi điện LNG và tiêu thụ điện LNG.

“Hiện tại các dự án điện khú LNG đã bỏ Bảo lãnh Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế; Chính vì vậy làm khó khăn hơn cho hợp đồng mua bán điện. Cùng với đó, vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; Khi mua LNG thì thường phải trả bằng ngoại tệ, nhưng thu bằng tiền Đồng. Nhà đầu tư phải chuyển đổi tiền nhưng nhà đầu tư yêu cầu phải bảo lãnh về khối lượng và tỷ giá”, ông Thập nói.

Một khó khăn khác theo ông Thập, đó là vấn đề ban hành khung giá phát điện cho Nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn đang nghiên cứu xem xét; Bộ Công Thương cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về Luật Điện lực chưa cho phép thực hiện. Trong khi đó Luật Giá đã cho phép tính đúng, tính đủ về cơ cấu giá thành.

“Ngoài ra, cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các Nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án”, ông Thập nói.

Để giải quyết những vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng chúng ta phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.

Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.

Đặc biệt, đối với kho cảng LNG cần được xây mới theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất điện khí.

Ông Thịnh cũng lưu ý, cần hối thúc các tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính... Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên sự chậm chễ trong triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, khiến hiệu quả các dự án LNG giảm thấp.

Bên cạnh hạ tầng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.

"Cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG", ông Thịnh nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả