Nông dân lao đao vì xuất khẩu lúa gạo, cá tra sang Trung Quốc giảm
Việc xuất khẩu sản phẩm lúa gạo và cá tra sang thị trường Trung Quốc – vốn là thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam – không thuận lợi đã khiến giá cả loại mặt hàng này ở thị trường trong nước cũng biến động mạnh.
Việc xuất khẩu sản phẩm lúa gạo và cá tra sang thị trường Trung Quốc – vốn là thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam – không thuận lợi đã khiến giá cả loại mặt hàng này ở thị trường trong nước cũng biến động mạnh.
Báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2019 ước đạt 739.000 tấn với giá trị đạt 314 triệu đô la Mỹ, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,83 triệu tấn và 1,21 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, giảm 4% về khối lượng và 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, riêng với thị trường Trung Quốc, hàng năm khối lượng xuất khẩu sang thị trường này luôn chiếm khoảng 35-40% thị phần toàn ngành, nhưng trong bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trên 90% so với cùng kỳ. Trung Quốc cũng không còn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Số liệu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dẫn ra cũng cho thấy, trong quí 1-2019, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 812.000 tấn và dự báo cả năm nhập chỉ khoảng 2,1-2,3 triệu tấn, thấp hơn rất nhiều so với kết quả của năm 2018 (khoảng 4,5 triệu tấn).
Trong khi đó, với mặt hàng cá tra, số liệu Hải quan Việt Nam cho biết, trong tháng 4-2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 143 triệu đô la Mỹ, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường trên 615 triệu đô la Mỹ, đạt mức tương đương so với cùng kỳ.
Đối với thị trường Trung Quốc, trong tháng 3-2019, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây đạt 39,47 triệu đô la Mỹ, còn tính chung ba tháng đầu năm 2019 đạt 99,3 triệu đô la Mỹ, giảm 1,8%. Lũy kế bốn tháng đầu năm 2019, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị “nới rộng” lên mức 5,7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty Lương thực Vạn Lợi (Tiền Giang) cho biết, việc xuất khẩu sụt giảm, nhất là giá bán giảm mạnh đã khiến thị trường nông sản nội địa biến động theo chiều hướng giảm rất mạnh.
Theo đó, lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp hiện được thương lái thu mua với giá chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg, giảm 1.300-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ; giá gạo nguyên liệu của giống IR 50404 cũng nhanh chóng giảm khoảng 1.300 đồng/kg, xuống mức giá chỉ còn 5.900-6.000 đồng/kg như hiện nay.
Giá lúa, gạo giảm mạnh khiến lợi nhuận thu được của người nông dân trồng lúa rất bấp bênh, mà cụ thể, mỗi héc ta nông dân thu được một khoản lợi nhuận chỉ khoảng 10 triệu đồng, tức chỉ khoảng 1 triệu đồng/công (1.000 m2).
Trong khi đó, nông dân nuôi cá tra cũng lao đao không kém khi xuất khẩu sụt giảm đã kéo giá cá nguyên liệu nhanh chóng giảm xuống mức chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg, giảm đến khoảng 16.000 đồng/kg so với mức giá kỷ lục được ghi nhận trong năm ngoái.
Theo bà con nông dân, với mức giá như hiện nay, người nuôi cá tra đang phải chịu lỗ khoảng 2.500 đồng/kg. Đây cũng là thời điểm khó khăn nhất mà ngành cá tra đang đối mặt, sau hai năm (2017-2018) ngành hàng này đạt kết quả rất tốt ở cả khu vực sản xuất và chế biến xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận