“Nóng” cuộc đua xin giấy phép bay
Ngoài 5 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo Airways, còn 4 hãng hàng không đang “xếp hàng“ chờ cấp phép. Mới đây, sự xuất hiện của “ông lớn” Vingroup với Vinpearl Air đã làm cuộc đua xin giấy phép bay ngày một “nóng”.
6 tháng 20,2 triệu khách bay
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với cùng kỳ 2018. Hiện, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).
Tổng thị trường 6 tháng đạt 20,2 triệu khách, tăng 12,5% so cùng kỳ 2018. Các hãng hàng không Việt Nam hiện khai thác 155 đường bay thường lệ và thuê chuyến thường lệ đến 89 điểm của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với thị phần đạt 41%, tổng khách vận chuyển đạt 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, thị phần của các hãng hàng không trong nước chiếm số lượng lớn thuộc về Vietjet cụ thể: Vietnam Airlines: 35,9%, VASCO 2%, Vietjet 44%, Jetstar Pacific 13,9% và Bamboo Airways 4,2%. Theo Phòng vận tải hàng không, tính 31/6/2019, các hãng hàng không Việt Nam khai thác đội máy bay gồm 197 chiếc, tăng 30 chiếc so với cùng thời điểm năm 2018 với độ tuổi bình quân là 5,2 tuổi, tỷ lệ sở hữu đạt 27,4%.
Trong khi đó, việc khai thác của các hãng trong nước đầu năm 2019 hơn 153.000 chuyến bay, trong đó 130.000 chuyến đúng giờ và 274 chuyến hủy. Đánh giá của Phòng vận tải hàng không, Vietjet và VASCO là hai hãng hàng không có số chuyến bay hủy cao so với các hãng hàng không còn lại với 110 chuyến hủy. Nguyên nhân hủy chuyến của VASCO có 75 chuyến do thời tiết và 36 chuyến bị lỗi kỹ thuật.
Còn nguyên nhân hủy chuyến của Vietjet tăng (hủy chuyến trong giai đoạn từ ngày 13/6 đến ngày 16/6) là do một số phi công của hãng có thời gian làm việc quá quy định. Nguyên nhân này xuất phát từ việc Vietjet chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS).
"Việc chờ đợi này là quá lâu đối với Vietstar bởi suốt 3 năm qua hãng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực từ phi công đến dịch vụ mặt đất, thiết bị… và sẵn sàng thực hiện bay". Ông Phạm Trịnh Phương - Tổng giám đốc Vietstar Airlines |
Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa chính thức “lấn sân” vào lĩnh vực hàng không khi thành lập Công ty Vinpearl Air có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách hàng không, mở ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn đối với hành khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không.
Vinpearl Air có mã số doanh nghiệp và mã số thuế là 0108712524 bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4. Trước đó, mã số thuế trên thuộc về Công ty cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia, doanh nghiệp có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Ngày 29/5 vừa qua, phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hà Nội cũng đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty CP Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty CP Hàng không Vinpearl Air. Cùng với việc đổi tên, ngành nghề kinh doanh chính của công ty cũng được thay đổi từ kinh doanh bất động sản sang vận tải hành khách hàng không.
Vinpearl Air được đăng ký hoạt động dưới dạng công ty cổ phần với 3 cổ đông sáng lập: Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia góp 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp 30% và ông Phạm Khắc Phương góp 25% tổng số vốn. Như vậy, cổ đông lớn nhất của Vinpearl Air là công ty CP Phát triển du lịch VinAsia, tiền thân là Công ty CP Phát triển du lịch Nam Hà, được thành lập vào tháng 6/2017.
Sự xuất hiện của Vinpearl Air được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế và làm đa dạng ngành hàng không.
“Xếp hàng” chờ cấp phép
Vietstar Airlines là hãng hàng không liên doanh giữa Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar, Công ty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành và Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân). Giữa năm 2016, Vietstar Airlines đã được thành lập với mức vốn điều lệ là 300 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã có 2 hangar sửa chữa máy bay đáp ứng đủ điều kiện thực hiện bay.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài Hãng hàng không Vinpearl Air vẫn còn có 3 hãng hàng không đang chờ được cấp phép bay gồm: Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) đang mòn mỏi chờ bay; Tập đoàn Thiên Minh “bắt tay” hụt với hãng hàng không giá rẻ AirAsia; Vietravel Airlines cũng đang muốn thực hiện hoá “giấc mơ bay” trong quý I/2020. |
Tuy nhiên, điểm vướng của Vietstar Airlines là chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ”, trong bối cảnh nhà ga T3 mới chưa được xây dựng, vì thế quy hoạch của hãng hàng không này chưa được phê duyệt. Trong phương án xây dựng nhà ga T3 mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa ra mới đây thì nhanh nhất 2 năm nữa mới có thể hoàn thiện báo cáo khả thi, mặt bằng… để thi công nhà ga mới. Nếu việc xây dựng thực hiện đúng tiến độ thì phải 2 năm tiếp theo mới hoàn thành nhà ga T3, Tân Sơn Nhất. Như vậy, ít nhất 4 năm nữa, Vietstar Airlines mới có thể cất cánh.
Trao đổi với PV, ông Phạm Trịnh Phương - Tổng Giám đốc Vietstar Airlines cho biết: “Việc chờ đợi này là quá lâu đối với Vietstar bởi suốt 3 năm qua hãng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực từ phi công đến dịch vụ mặt đất, thiết bị… và sẵn sàng thực hiện bay. Thậm chí, hãng đã phải thay đổi mục tiêu ban đầu trong 5 năm sẽ đưa về 10 máy bay (nay rút xuống chỉ còn 5 máy bay). Mà tại 2 hangar của hãng đã sẵn sàng chứa được 4 chiếc. Vì thế, mong mỏi của hãng là sớm được Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bay”.
Ngoài Hãng hàng không Vietstar Airlines cũng phải kể đến Hãng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam (Vietravel Airlines) do chính Công ty Lữ hành Vietravel vừa trình hồ sơ thành lập tới Bộ GTVT trong năm 2019. Vietstar Airlines tỏ ra khôn khéo hơn khi chọn sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm căn cứ.
Việc chọn sân bay địa phương được đánh giá là rất “thông minh” trong lộ trình cấp phép bay vì tại các sân bay này không thiếu điểm đỗ, vì thế, sẽ không quá khó để được cấp phép bay. Việc chọn Phú Bài làm "thủ phủ" cũng giúp hướng luồng khách du lịch khu vực Đồng Hới - Huế - Đà Nẵng - Hội An qua sân bay Phú Bài giúp giảm tải cho phi trường Đà Nẵng. Vietravel Airlines đang có những bước khởi động mạnh mẽ để kịp bay chuyến đầu tiên dự kiến vào quý I/2020.
Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) từng được biết đến với vai trò liên doanh cùng AirAsia thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.
Đến tháng 4/2019, AirAsia bất ngờ phát đi thông báo về việc chấm dứt hợp tác với Tập đoàn Thiên Minh. Nguyên nhân được cho là cả hai không tìm thấy tiếng nói chung trong các thỏa thuận. Đến thời điểm này, trong khi AirAsia chưa tìm thấy đối tác để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam thì Thiên Minh đã lập được công ty hàng không mới với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh được ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, đứng ra thành lập vào ngày 13/6/2019. Công ty có trụ sở chính tại số 187 Lý Thường Kiệt, Hội An, Quảng Nam. Ngoài ra, trong hệ thống của Thiên Minh Group cũng có Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu hoạt động ở lĩnh vực vận tải hàng không dưới hình thức thủy phi cơ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận