menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hùng Cường

Nóng cuộc chiến trừng phạt Mỹ-Trung

Các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây nhấn đậm căng thẳng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới liên quan các điểm nóng địa chính trị hiện nay.

Trong một tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục ra các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Trong khi Mỹ nhắm vào các thực thể Trung Quốc mà nước này cho là hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, thì Bắc Kinh trừng phạt các công ty Mỹ có liên quan việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Trừng phạt qua lại

Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt hơn chục thực thể của Trung Quốc và Hong Kong vì cáo buộc những thực thể này có hành vi hỗ trợ Nga trong xung đột tại Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Lệnh trừng phạt này là một phần trong danh sách trừng phạt gần 300 cá nhân, tổ chức ở nhiều nước, bao gồm Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)..., mà Washington nghi ngờ những thực thể này có hành vi hỗ trợ Nga.

Nóng cuộc chiến trừng phạt Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc chứng kiến màn trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Ảnh: THE TELEGRAPH

Theo tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ, các lệnh trừng phạt của nước này nhắm vào “các thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị công nghệ, sản xuất và hàng không vũ trụ lưỡng dụng cho các thực thể có trụ sở tại Nga”, đài CNN đưa tin.

“Đặc biệt, những biện pháp trừng phạt này nhắm vào các nhà sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng quan trọng đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, một số trong số các thực thể đó đã vận chuyển hàng hóa đến các thực thể Nga bị Mỹ trừng phạt trước đó” - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Đáp lại động thái trừng phạt của Mỹ, ngày 20-5, Bộ Thương mại Trung Quốc liệt ba công ty quốc phòng Mỹ vào danh sách “Những thực thể không đáng tin cậy” vì có liên quan việc bán vũ khí cho Đài Loan. Các công ty Mỹ bị liệt vào danh sách trên bao gồm: General Atomics Aeronautical Systems, General Dynamics Land Systems và Boeing Defense, Space & Security, theo tờ China Daily.

Theo đó, những công ty này sẽ bị cấm tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và bị cấm thực hiện đầu tư mới vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành cấp cao của các công ty trên bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, giấy phép lao động của họ tại Trung Quốc bị thu hồi và các hồ sơ đăng ký liên quan mà họ nộp cũng sẽ không được chấp thuận.

Đến ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố các biện pháp trừng phạt 12 công ty quốc phòng Mỹ và các giám đốc điều hành, bao gồm các công ty con của Lockheed Martin, theo China Daily.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng các loại tài sản di chuyển, bất động sản và các loại tài sản khác của các thực thể này ở Trung Quốc, cũng như cấm nhập cảnh đối với các giám đốc điều hành cấp cao.

Thông điệp hai bên

Theo hãng tin Bloomberg, việc Mỹ và Trung Quốc đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau nhấn đậm căng thẳng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới liên quan các điểm nóng địa chính trị quan trọng hiện nay. Bên cạnh đó, qua các biện pháp trừng phạt, Washington và Bắc Kinh đều muốn truyền tải cho đối phương thông điệp răn đe.

Theo CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng gia tăng cảnh báo về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga - sự hỗ trợ mà Mỹ cho rằng đã cho phép Moscow tiếp tục cuộc chiến chống Ukraine. Hơn nữa, khi Nga bắt đầu xây dựng lại năng lực phòng thủ của mình, Mỹ đã tìm cách tập hợp các đồng minh để gây áp lực lên Bắc Kinh - thông qua các biện pháp ngoại giao, hoặc nếu thất bại sẽ dùng đến các biện pháp trừng phạt - để ngăn Trung Quốc hỗ trợ Nga.

Hồi đầu tháng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng việc Mỹ trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc mà Mỹ cho là có hành vi hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, thực chất là cái cớ để kiềm chế Bắc Kinh, theo thông cáo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng trong một thời gian Mỹ đã “coi thường lập trường chính đáng và vai trò mang tính xây dựng” của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine và đã áp đặt “các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp” đối với nhiều thực thể Trung Quốc vì cái gọi là "các yếu tố liên quan Nga".

“Việc Washington tham gia bắt nạt đơn phương và cưỡng ép kinh tế trên quy mô lớn đã vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty, tổ chức và cá nhân Trung Quốc” - theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nóng cuộc chiến trừng phạt Mỹ-Trung

Việc Mỹ và Trung Quốc đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau nhấn đậm căng thẳng giữa các cường quốc hàng đầu thế giới liên quan các điểm nóng địa chính trị. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Mỹ liên tục bán vũ khí cho Đài Loan, vi phạm nghiêm trọng “nguyên tắc một Trung Quốc” và ba tuyên bố chung Trung-Mỹ, đồng thời can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Còn theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc những công ty Mỹ nhiều lần tham gia bán vũ khí cho Đài Loan đã “làm suy yếu nghiêm trọng an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như phá vỡ nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của nước này và sẽ dùng mọi cách để thống nhất, kể cả vũ lực. Từ lâu, Bắc Kinh đã phản đối bất kỳ hoạt động bán vũ khí nào của Mỹ cho hòn đảo.

Về việc Trung Quốc nhắm trừng phạt các công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng của Mỹ, chuyên gia Jonathan Ward tại Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho rằng điều này đã trở thành một phản ứng tiêu chuẩn đối với Trung Quốc, theo tờ Newsweek.

“Mặc dù điều này có vẻ như vô nghĩa khi áp dụng cho các tập đoàn quốc phòng Mỹ không có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc, Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể rủi ro bằng cách nhắm mục tiêu vào Boeing, công ty có doanh số bán hàng đáng kể tại Trung Quốc và General Dynamics, công ty mẹ của Gulfstream Aerospace hiện cũng có hoạt động tại Trung Quốc” - chuyên gia Ward nhận định.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Trung sẽ gặp nhau tại Singapore

Ngày 24-5, Lầu Năm Góc thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tuần tới, theo hãng tin AP.

Đối thoại Shangri-La sẽ diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6. Đây là hội nghị thường niên của các bộ trưởng quốc phòng và quan chức chính phủ từ hơn 50 quốc gia.

Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung sau cuộc điện đàm vào tháng 4 vừa qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả