“Nóng” chuyện ngân hàng tăng vốn - tiếp tục vào guồng quay mới
Tăng vốn điều lệ luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.
"Big 4" chuẩn bị được tăng vốn khủng
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin về tình hình tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.
Cụ thể thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến cuối tháng 4, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia tổ cổ tức bằng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước đồng thời chỉ đạo Vietcombank, VietinBank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Riêng với ngân hàng Agribank, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo tờ trình Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Đồng loạt tăng vốn
Ở khối NHTM cổ phần, việc tăng vốn điều lệ diễn ra sôi động hơn so với khối NHTM nhà nước
Cụ thể, rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ. Phải kể đến như, VPBank dự kiến tăng thêm khoảng 12.207 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 67.434 tỷ đồng lên hơn 79.339 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu tăng vốn, tại ĐHĐCĐ lãnh đạo VPBank cho biết sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation và phát hành hơn 30,2 triệu cổ phiếu ESOP. Sau phát hành, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Bên cạnh đó, tại ĐHCĐ thường niên 2023 của TPBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 22.016 tỷ đồng, cụ thể: TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỷ đồng, lên 22.016 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 619,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 39,19%. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2023, tùy thuộc vào quá trình xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Hay tại MB, ĐHCĐ của ngân hàng này cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thêm 9.023,5 tỷ đồng. Nếu kế hoạch thuận lợi, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp (Đơn vị: tỷ đồng)
Để hoàn thành kế hoạch tăng vốn, MB sẽ phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội thường niên năm 2022.
Lãnh đạo MB cho biết, số vốn thu được từ các phương án này dự kiến sẽ được sử dụng phần lớn (7.088 tỷ đồng) để đầu tư năng lực và phần còn lại (1.255 tỷ đồng) để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác.
Ngoài ra ĐHCĐ năm 2023 của VIB cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ tăng thêm, VIB dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ đồng đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.
Hay ĐHCĐ SHB năm 2023 cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 30.673,8 tỷ lên hơn 36.194,2 tỷ (tăng khoảng 5.972 tỷ đồng); SeABank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.500 tỷ đồng; ACB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.066,15 tỷ đồng; HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.972,89 tỷ đồng; Techcombank dự kiến tăng vốn điểu lệ lên hơn 35.225 tỷ đồng; Bac A Bank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 9.900 tỷ đồng....
Có thể thấy, tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây.
Chính vì vậy, nếu các phương án tăng vốn được thực hiện thành công, vốn điều lệ của các NHTM sẽ tăng mạnh trong năm 2023.
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh; đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng được tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận