Nới trần chi phí lãi vay sao cho hợp lý?
Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định sửa đổi quy định về quản lý thuế với giao dịch liên kết, trong đó đề xuất nâng trần khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần xem xét sửa đổi thêm những nội dung khác liên quan đến chi phí lãi vay của doanh nghiệp (DN).
Cân nhắc việc nâng mức khống chế
Khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)”. Như vậy, phần chi phí lãi vay lớn hơn 20% EBITDA sẽ không được tính vào vào chi phí hợp lý, hợp lệ để khấu trừ khi tính lợi nhuận chịu thuế.
Bộ Tài chính cho biết, trước yêu cầu của Đảng, Nhà nước về nghiên cứu các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, “chuyển giá”, “ngăn chặn chuyển giá”, chống thất thu thuế..., Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 với các nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến cáo của OECD (Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển), tạo ra quy định quản lý chống chuyển giá và là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia diễn đàn này.
Qua hơn 2 năm triển khai, phản ánh đến cơ quan thuế, một số doanh nghiệp cho biết, quy định này là nội dung hoàn toàn mới, không được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập DN là chưa phù hợp. Trên thực tế, so với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, DN Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay. Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập DN cao hơn và lợi nhuận thật của DN bị giảm đáng kể, không ít DN bị lỗ nặng.
Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các DN có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc nhở Bộ Tài chính tiếp tục củng cố các quy định về chống DN “vốn mỏng”, “tay không bắt giặc” tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP bằng việc nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% EBITDA lên 30% EBITDA.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, PGS. TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nới trần quy định khống chế chi phí lãi vay không hẳn là không hợp lý, bởi có thể giúp hạn chế tình trạng tránh thuế, đồng thời tạo công bằng hơn cho các DN nhỏ, DN tư nhân - những DN kém sức cạnh tranh về vốn khi so sánh với các công ty con được các tập đoàn lớn vay vốn về cho vay lại.
Xem xét chống vốn mỏng với tất cả doanh nghiệp
Từ góc độ khác, theo ông Phạm Thế Anh, có thể hiểu mức trần 20% được cơ quan thuế tham khảo từ các nước OECD. “Đó là khuyến cáo về khống chế trần lãi vay để chống tình trạng “vốn mỏng” với mọi DN chứ không phải chỉ dành riêng với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Dường như có sự chưa rạch ròi giữa mục tiêu chống chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết với việc chống tình trạng xói mòn cơ sở thuế, chống vốn mỏng của các DN trong nền kinh tế”, ông Thế Anh giải thích.
Do đó, vị giảng viên này đề xuất việc chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng nên được đề xuất trong một quy định khác (có thể là một nghị định khác) để đảm bảo quy định đó bao phủ được mọi DN, bao gồm công ty trong các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn trong nước, và các công ty độc lập.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, Nghị định 20 chỉ khống chế lãi vay đối với DN có giao dịch liên kết, trong khi các DN không có giao dịch liên kết thì Luật Thuế Thu nhập DN hiện nay chưa quy định mức khống chế, nên cần xem xét cả nội dung này.
Ở khía cạnh khác, theo ông Thế Anh, việc khống chế chi phí lãi vay như vậy gây khó khăn cho các DN mới đi vào hoạt động. Do đó, cần cho phép các DN chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn). Điều này giúp các DN mới thành lập (thường chịu lỗ trong giai đoạn đầu) có thể giảm gánh nặng tài chính, đồng thời khuyến khích các DN đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn. Thời hạn kết chuyển có thể là 5 năm và chỉ áp dụng với những DN mới thành lập hoặc có đầu tư lớn vượt một con số nhất định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận