Nói thẳng: Nên "khai tử" Quỹ Bình ổn giá xăng dầu!
Việc sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang rất lộn xộn, thiếu nguyên tắc, thiếu giám sát. Có nhiều lý do cho thấy nên xem xét "khai tử" công cụ điều hành giá thiếu minh bạch và khó kiểm soát này.
Câu chuyện doanh nghiệp (DN) đầu mối có dư nợ bị ngân hàng thương mại tự động cấn trừ nợ từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) - vốn do người dân đóng góp và không được trích cho mục đích khác - khiến dư luận những ngày gần đây không khỏi ngỡ ngàng.
Việc kết luận ngân hàng này đúng hay sai, thực hiện trên căn cứ nào... thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, dù bên nào đúng thì sự việc cũng cho thấy việc sử dụng, quản lý Quỹ BOG đang rất lộn xộn, thiếu nguyên tắc và thiếu giám sát.
Câu hỏi đặt ra là các DN đầu mối xăng dầu đã quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ BOG như thế nào; có mở và kê khai tài khoản chi tiết cũng như công khai mục đích sử dụng tài khoản không... mà dẫn đến tình huống ngân hàng "trích nhầm"? Việc thu - chi quỹ theo quyết định điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính có được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt hay không?
Theo quy định, định kỳ ngày mùng 1 hằng tháng, ngân hàng thương mại - nơi thương nhân đầu mối xăng dầu mở tài khoản tiền gửi Quỹ BOG - phải gửi sao kê giao dịch phát sinh về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Trong đó, cần thể hiện rõ số dư đầu kỳ báo cáo, số trích lập và số sử dụng trong kỳ báo cáo. Như vậy, quy định có vẻ như rất rõ ràng nhưng việc quản lý vẫn tồn tại cả sự bất cập lẫn bất ổn. Bất cập ở chỗ cơ quan quản lý nhà nước tuy có vai trò, trách nhiệm điều hành nhưng không có khả năng cũng như không có quy định cụ thể làm cơ sở để cập nhật được tài khoản ngân hàng của DN đầu mối. Kẽ hở này dẫn đến tình trạng thương nhân hoàn toàn có thể chỉ báo cáo số dư Quỹ BOG trên sổ sách, còn số tiền thực trong tài khoản lại là chuyện khác.
Đáng nói hơn, do Quỹ BOG được giao cho DN quản lý nên việc sử dụng theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương thường được DN linh hoạt tính vào giá bán lẻ xăng dầu, qua đó DN có thể giảm trừ phần chi quỹ vào doanh thu bán hàng. Điều này khiến dòng tiền ra - vào tài khoản ngân hàng của Quỹ BOG có thể không tách bạch với các tài khoản khác của DN.
Bất ổn ở chỗ cơ quan điều hành giá xăng dầu không thể dự đoán được chính xác biến động của thị trường trong tương lai. Trong tình huống có những bất ổn địa chính trị đẩy giá thế giới liên tục tăng, kéo giá bán lẻ trong nước tăng theo, Quỹ BOG sẽ chịu áp lực lớn. Đã có nhiều thời điểm phải xả quỹ mạnh và liên tục khiến quỹ âm. Trong bối cảnh giá đầu vào tăng, DN phải tìm cách bù đắp thâm hụt, cân đối dòng tiền thông qua nguồn vốn tín dụng. Khi đó, liệu có chắc rằng DN có dư nợ không rơi vào tình trạng bị ngân hàng trừ nợ thông qua tài khoản dương khác - dù đó là tài khoản Quỹ BOG vốn bất khả xâm phạm?
Gần 10 năm nay, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị bỏ Quỹ BOG khỏi công thức tính giá xăng dầu. Nhưng, với danh nghĩa "bình ổn" giá mặt hàng cực kỳ thiết yếu, Quỹ BOG vẫn có lý do để tồn tại. Đáng nói là, trong khi chỉ có một lý do để tồn tại mà lý do này đi ngược với nguyên tắc thị trường - thì có nhiều lý do cho thấy nên xem xét "khai tử" công cụ điều hành giá thiếu minh bạch và khó kiểm soát này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận