Nỗi sợ virus viêm phổi cấp phủ bóng kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc
Các chuyên gia y tế đang lo ngại loại virus gây viêm phổi cấp mới, có nguồn gốc từ TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (hay còn gọi là virus corona Vũ Hán) có thể lây lan rộng khi hàng trăm triệu người di chuyển về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình trong tuần này.
Số ca nhiễm tăng gấp 3
Hôm 20-1, Ủy ban Y tế TP. Vũ Hán thông báo có thêm một ca tử vong vì nhiễm virus corona Vũ Hán, nâng số người tử vong do nhiễm virus này lên con số 3, kể từ khi nhóm người ở một chợ bán hải sản và động vật sống tại Vũ Hán được xác định bị nhiễm từ giữa tháng 12 năm ngoái.
Thông báo cũng cho biết tính đến ngày 18-1, có thêm 77 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở Vũ Hán lên con số 198, trong đó 25 ca đã hồi phục hoàn toàn.
Như vậy, số ca nhiễm ở thành phố đã tăng gấp ba lần so với thông báo trước đó. Ngoài ra có 3 ca nhiễm khác bên ngoài Vũ Hán gồm 2 ca ở Bắc Kinh và 1 ca ở Thâm Quyến.
Cùng ngày, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc cho biết ca nhiễm đầu tiên đã xuất hiện ở Hàn Quốc. Bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc bay từ TP. Vũ Hán sang sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) hôm 19-1.
Trước đó, Thái Lan xác nhận có 2 ca nhiễm và Nhật Bản có 1 ca. Tất cả bệnh nhân là người có gốc gác từ TP. Vũ Hán hoặc từng đi đến thành phố này trong thời gian gần đây.
“Có khả năng cơn bùng phát virus viêm phối cấp thuộc chủng corona mới đã khiến nhiều người lây nhiễm hơn con số được báo cáo hiện nay”, báo cáo cho hay.
Nhà chức trách y tế ở TP. Vũ Hán cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy virus viêm phổi cấp nói trên có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không loại bỏ khả năng này.
Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 20-1, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, nói: “Dựa vào bằng chứng mà chúng tôi có được, chắc chắn ít nhất có một số ca nhiễm do lây từ người sang người nhưng chúng tôi chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus có khả năng dễ dàng lây từ người sang người”.
Số ca nhiễm mới tăng nhanh, khiến các chuyên gia lo ngại cơn bùng phát virus viêm phổi cấp ở Vũ Hán nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà chính phủ Trung Quốc mô tả. Hôm 19-1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ra thông báo nói rằng các chuyên gia khẳng định đại dịch virus viêm phối cấp mới “vẫn có thể ngăn ngừa và kiểm soát được”. Tuy nhiên, NHC ghi nhận chưa nắm rõ đầy đủ về nguồn gốc của virus này và cơ chế lây lan của nó.
“Nếu bạn chưa tìm ra nguồn gốc và kiểm soát nguồn gốc của virus, bạn không thể dập tắt được ngọn lửa”, Tiến sĩ David Hui, Giám đốc Trung tâm Stanley Ho về các bệnh dịch mới nổi ở Đại học Trung văn Hương Cảng, Hồng Kông, cảnh báo.
Ông cho rằng nguy cơ virus corona Vũ Hán lây từ người sang người trên diện rộng dường như chỉ ở mức thấp, dù vậy ông lưu ý virus có thể biến thể để dễ dàng lây lan hơn.
Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 18-1, có tổng cộng 763 người từng tiếp xúc với những người bị nhiễm virus viêm phổi cấp ở Vũ Hán, trong đó 98 người tiếp tục bị cách ly để theo dõi.
Người dân bất an
Hơn 400 triệu người Trung Quốc sẽ thực hiện 3 tỉ chuyến đi trong dịp Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 25-1. Phần lớn họ là các công nhân trở về quê nhà để ăn Tết cùng gia đình, rồi quay trở lại các thành phố để làm việc sau Tết. Hàng triệu người Trung Quốc khác sẽ đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết. Làn sóng di chuyển khổng lồ này có thể khiến virus gây viêm phổi cấp ở Vũ Hán lây lan nhanh.
Các triệu chứng điển hình ở người nhiễm virus corona Vũ Hán tương tự như bệnh cúm bao gồm sốt cao, ho, chảy mũi nước, khó thở.
Một nguồn tin làm việc ở dịch vụ bán vé tàu của Trung Quốc cho biết hiện tại, các nhà ga ở Vũ Hán không triển khai thêm các biện pháp để kiểm tra thân nhiệt của hành khách.
Tuy nhiên, kể từ ngày 15-1, tất cả hành khách khởi hành từ sân bay quốc tế Thiên Hà ở Vũ Hán đều bị kiểm tra thân nhiệt trước khi lên máy bay.
Tại nhà ga Tây Bắc Kinh hôm 20-1, phần lớn những hành khách chờ lên tàu để trở về Vũ Hán ăn Tết đều bịt khẩu trang kín mít. Khẩu trang dùng một lần bán ở các tiệm thuốc tây ở Vũ Hán đang trong tình trạng cháy hàng.
Nhân viên của một chi nhánh chuỗi tiệm thuốc tây ở thành phố này nói: “Hôm nay, chúng tôi đã bán sạch tất cả khẩu trang dùng một lần và tôi phải chuẩn bị nguồn cung cho ngày mai. Nhu cầu khẩu trang tăng vọt 10 lần so với trước khi cơn bùng phát virus viêm phổi cấp xảy ra”.
Nhiều người dân ở Vũ Hán đang sống trong nỗi bất an. “Tôi cảm thấy lo lắng khi nhìn vào tay vịn lan can, thực phẩm hay những người đứng sát nhau. Với tôi, không khí lễ Tết không còn nữa, thay vào đó là nỗi bất an”, một phụ nữ họ Bành 33 tuổi sống cách chợ hải sản, nơi khởi nguồn của virus corona Vũ Hán, chừng 1km nói. Cô cho biết tuần trước, người dì lớn tuổi của cô đã nhập viện với các triệu chứng giống như bệnh cúm.
Một phụ nữ khác ở Vũ Hán, có bố mẹ già nhập viện vì các triệu chứng giống bệnh cúm, cho biết cô được nhà chức trách yêu cầu phải cẩn trọng tối đa dù bố mẹ cô chưa được xác nhận nhiễm virus corona Vũ Hán.
“Tôi chỉ có thể đưa đồ ăn cho bố mẹ qua cửa bệnh viện, chứ không thể vào bên trong để thăm họ và chúng tôi chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại. Gia đình chúng tôi mang khẩu trang hai lớp hàng ngày khi ra đường. Chúng tôi không đi đến những nơi đông người và luôn phải rửa sạch, khử trùng bàn tay”, cô nói.
Khi số ca nhiễm tiếp tục tăng, người dân địa phương cho hay nhà chức trách đang xử lý những người đưa tin thất thiệt trên Internet về virus corona Vũ Hán hay người thân đang bị nhiễm virus này. Hồi đầu tháng 1, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết 8 người đã bị xử lý theo pháp luật vì chia sẻ những thông tin chưa được xác minh trên mạng xã hội.
Dù virus này chưa lây lan rộng ra bên ngoài Vũ Hán nhưng các cuộc thảo luận về nó ở các thành phố khác của Trung Quốc đang nóng lên trên mạng xã hội.
Trên mạng xã hội Weibo, dòng hashtag “viêm phổi Thượng Hải” nhận được hơn 400 triệu lượt xem, trong khi đó, dòng hashtag “viêm phổi Thâm Quyến” có 340 triệu lượt xem.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận