Nới room tín dụng, doanh nghiệp vẫn "khát" vốn
Bài toán nguồn vốn và giải pháp "giải cơn khát vốn" của các doanh nghiệp là một trong những vấn đề mấu chốt thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “đói” vốn
Vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách nới room tín dụng, rốt ráo chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất nhưng thực tế đến nay, đa số doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất cao.
Nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất nhưng lại cộng thêm các khoản khác nên chi phí vay vốn của doanh nghiệp vẫn không được giảm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không được cấp room tín dụng dù nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất và quay vòng vốn cuối năm rất lớn.
Ông Đoàn Mạnh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm chay Bảo An, cho biết doanh nghiệp được một ngân hàng quốc doanh cho vay vốn trung hạn với lãi suất 9%/năm, tăng 2,3%/năm so với năm 2021. So với vốn trung hạn tại các ngân hàng tư nhân có lãi suất 11%/năm, mức lãi suất này khá "dễ thở".
Tuy nhiên, ông Cương thông tin với Người Lao Động: "Trong lúc chúng tôi đang nhập 1 container máy móc, thiết bị để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đã hoàn thành các thủ tục thẩm định, chứng minh tài chính thì nhận được thông báo hết room tín dụng. Tình thế buộc chúng tôi phải vay bên ngoài với lãi suất lên đến 3%/tháng".
Tương tự, ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hải Đảo Food (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), cho biết, cuối năm nhu cầu về vốn của doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết nhiều nhưng mặt bằng lãi suất cao và việc khó tiếp cận vốn ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Sau dịch Covid-19, thị trường có nhiều thay đổi, doanh nghiệp nhìn ra nhiều cơ hội nhưng bị thiếu vốn, vay ngân hàng khó khăn nên phải xoay xở "bên ngoài" như vay nóng rất nguy hiểm. Chúng tôi cần có nguồn vốn ổn định, rất muốn sự thông thoáng trong tiếp cận vốn ngân hàng để có xung lực phát triển", ông Đảo bày tỏ nguyện vọng.
Doanh nghiệp sản xuất đã khó, các doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản càng khó khăn hơn. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%. Sau đó 2 ngày, Chính phủ cũng có công điện chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng.
Chẳng hạn, doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do đã hết tài sản bảo đảm, nhưng ngân hàng không đồng ý vì không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu.
Trường hợp khác, doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới dù có tài sản bảo đảm cũng không được ngân hàng chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, 3) chưa thanh toán.
HoREA cho rằng nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng dìu nhau vượt qua khó khăn.
“Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế bất thường hiện nay mà nên nới một chút, nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn so với bình thường trước đây”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói với báo Tiền Phong.
Theo HoREA, hiện nay do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.
Ngân hàng tìm cách tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho doanh nghiệp
Về việc các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, khẳng định, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn liên tục đưa ra các chỉ đạo cho các Ngân hàng Thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn này, đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, dịch vụ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cùng với các Ngân hàng Thương mại thường xuyên họp khoảng 1 tháng/lần với Hiệp hội Doanh nghiệp, Sở Công Thương, các sở, ngành để phối hợp để nắm các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và tháo gỡ trực tiếp, nhận những thông tin từ doanh nghiệp và trực tiếp xử lý những khó khăn này.
"Nếu doanh nghiệp phản ánh trực tiếp thì phải nêu rõ cụ thể đang vay vốn ngân hàng nào, và khó như thế nào để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM chỉ đạo trực tiếp các ngân hàng xử lý, tháo gỡ", ông Lệnh nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, đề nghị các doanh nghiệp gửi thông tin trực tiếp về Sở Công Thương hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, hoặc gửi trực tiếp cho các Hiệp hội ngành nghề mà họ trực thuộc để kiến nghị này "tới tay" Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM.
"Hiện nay các doanh nghiệp đều có các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp thuộc ngành cao su thì có Hiệp hội Cao su Việt Nam, doanh nghiệp thuộc ngành gỗ thì có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp thuộc ngành lương thực thì có Hội Lương thực - Thực phẩm… Hoặc nếu doanh nghiệp đang ở quận, huyện nào thì gửi thông tin cho phòng Kinh tế quận, huyện đó thì những thông tin này sẽ được chuyển đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM để giải quyết, xử lý", ông Lệnh trao đổi với Dân Việt.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2 và 3) chưa thanh toán.
Các chính sách ngắn hạn này được đề xuất áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
Trong khi đó, chia sẻ khó khăn cũng như đồng hành với doanh nghiệp hồi phục và tăng tốc sản xuất - kinh doanh vào đầu năm 2023, một số ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng, dự kiến bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỉ đồng trong thời gian tới.
Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa bổ sung gói tín dụng 5.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn đến 2%/năm so với mức lãi suất thông thường. Mức ưu đãi lãi suất áp dụng cho cả khoản vay mới bằng VNĐ và USD kỳ hạn đến 6 tháng phát sinh từ nay đến hết ngày 28/2/2023.
Với gói tín dụng này, VietinBank tập trung nguồn vốn cho vay đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh tại các tỉnh vùng ĐBSCL, hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề chủ đạo như thủy sản, lúa gạo, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, lâm nghiệp... hoặc mục đích vay vốn thuộc các ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ.
"Trong thời gian tới, VietinBank sẽ tập trung nguồn lực, bảo đảm nguồn vốn dồi dào để khách hàng doanh nghiệp được tiếp cận và hưởng nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phục hồi nền kinh tế", lãnh đạo VietinBank cam kết.
Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cũng cho biết Agribank sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để đóng góp vào việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
"Cụ thể, đối với dư nợ phát sinh từ ngày 1/12 đến ngày 31/12, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Ngoài ra, khách hàng DN, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này", ông Trí thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận