Nới "room" cho người nước ngoài mua nhà
Nhiều dự án nhà ở trước đây không nhắm đến đối tượng người nước ngoài mua, tuy nhiên đến nay đây đang là đối tượng mục tiêu mà các doanh nghiệp trực tiếp nhắm đến.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc điều chỉnh lại số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam từ năm 2015 - 2020, theo đó tỷ lệ giảm từ 2% xuống còn 0,85%.
Con số không lớn
Theo HoREA, số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng đã có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 05 năm phát triển được khoảng 1.885.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 05 năm qua, thì tỷ lệ người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là 0,85%.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, với tỷ lệ như trên con số 0,85% trong vòng 5 năm qua không phải con số lớn để kỳ vọng vào một "làn sóng" người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, theo ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ Land đây là con số không lớn, tuy nhiên phải ghi nhận đây cũng là một trong những dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Có một thực tế là những dự án có đối tượng người nước ngoài mua là các dự án bất động sản cao cấp, giá trị cao. Bên cạnh đó, giá bán cho đối tượng người nước ngoài thường cao hơn so với đối tượng người Việt, do đó đây cũng là một nguồn doanh thu lớn đối với các dự án.
“Thông thường, các dự án được người nước ngoài sở hữu thường có pháp lý tốt, việc này tạo uy tín cho chính chủ đầu tư và dự án đó” - ông Toản khẳng định.
Tăng tính thanh khoản, giảm hàng tồn kho
Ông Phạm Đức Toản cũng cho biết, sau 04 năm thi hành Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam (từ năm 2015 đến 2019), số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án chung cư, nhà ở riêng lẻ trong các dự án đầu tư xây dựng nhà tăng đáng kể, là một nguồn cầu lớn cho thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Người nước ngoài định cư ở Việt Nam đang là đối tượng mà nhiều chung cư cao cấp nhắm đến
Thậm chí nhiều dự án nhà ở người nước ngoài đã sở hữu kịch trần là 30% trên tổng số lượng căn hộ theo quy định của Luật Nhà ở. Trong đó, khách hàng chủ yếu đến từ các khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc.
“Tại một số dự án, các chủ đầu tư đã có những chính sách quảng bá riêng cho đối tượng là người nước ngoài. Đây là minh chứng cho sự ảnh hưởng của đối tượng này đến thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, so sánh với thời điểm thị trường có phần chững lại do dịch bệnh, đây cũng là con số mang đến sự lạc quan cho thị trường” - ông Toản khẳng định.
Tuy nhiên, về việc liệu có làn sóng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, theo ông Toản việc này là rất khó. Cụ thể, đây đa phần là các chuyên gia, kỹ sư công nghệ cao đến Việt Nam theo làn sóng “di cư” của các trung tâm sản xuất công nghiệp. Những người này thường có nhu cầu thuê nhà ở cao hơn mua một tài sản cố định. “Theo đó, những đề xuất trong việc nới “room” cho người mua nhà ở Việt Nam là chưa cần thiết” - ông Toản khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu của người nước ngoài mua bất động sản cao cấp đang cao hơn trong nước.
“Room cho người nước ngoài sở hữu bất động sản cao cấp hiện đang rất thấp. Giá nhà cao cấp đang bị đẩy lên rất cao, ở TP.HCM có những căn giá lên hàng trăm triệu đồng/m2, quá cao so với thu nhập của người Việt. Do đó, có thể xem xét lại quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp để tăng tính thanh khoản, giảm tồn kho cho phân khúc này” – ông Đính đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận