menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Nỗi oan quỹ phụ huynh

Gặp tôi sau cuộc họp phụ huynh đầu năm, anh Hùng thở dài: “Tưởng đâu giải ngân đầu tư công khó khăn, hóa ra tiêu tiền riêng cũng khó ông ạ”.

Anh kể về tình thế bế tắc ở cuộc họp hôm đó. Một ông bố quan sát thấy vài bóng đèn nhấp nháy, anh để ý và phát hiện thêm, loại đèn đang dùng trong lớp không có tính năng chống cận thị. Anh đề xuất giáo viên chủ nhiệm kiến nghị với nhà trường thay loại bóng đèn khác để đảm bảo ánh sáng cho các con.

Cô giáo giải thích rằng việc này rất khó, nếu được duyệt cũng mất nhiều thời gian. Nhà trường sẽ phải kiến nghị lên phòng giáo dục, các đơn vị chịu trách nhiệm mua sắm sau đó sẽ xuống lớp thẩm định: vì sao loại bóng đèn này phải thay thế, tại sao các trường khác dùng được mà trường này không dùng được, thậm chí tại sao lớp này học được mà lớp kia lại đòi đổi... Câu trả lời chỉ ra một thực tế phụ huynh nào cũng hiểu: chờ kinh phí của nhà nước để mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất là cuộc chờ đợi mỏi mòn.

Thấy vậy, anh Hùng và nhiều phụ huynh khác đề xuất góp quỹ để trang bị cho các con. Nhưng cô giáo lắc đầu cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang yêu cầu thanh tra các khoản thu chi đầu năm. Mua sắm thiết bị dạy học, cơ sở vật chất trong trường thuộc những khoản thu bị cấm theo Thông tư 55, nên trường năm nay không dám thu.

Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Thủ Đức, TP HCM mới đây cũng yêu cầu phụ huynh không được đóng quỹ lớp, không đóng quỹ khuyến học, không đóng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phụ huynh muốn tài trợ cho trường phải có văn bản đồng ý của phòng Giáo dục. Trường con tôi học, ở quận trung tâm TP HCM, năm học vừa rồi không cũng không thu quỹ.

Mấy năm trước, khi thấy bác bảo vệ tại trường bị giảm thu nhập vào dịp hè, tôi bàn với một số phụ huynh cùng ủng hộ để hỗ trợ các bác. Trao đổi ý tưởng này với ban giám hiệu, tôi nhận được sự tri ân, nhưng bị từ chối vì trái với Thông tư 55. Bác bảo vệ cũng không chịu nhận khi chúng tôi ủng hộ thẳng, không thông qua Ban giám hiệu. Bác e ngại điều tiếng.

Phụ thu, lạm thu, thậm chí biến Ban đại diện cha mẹ học sinh thành "hội thu hộ" là tình trạng xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng từ những mắc mớ của tôi, của anh Hùng và qua việc tìm hiểu kỹ ngân sách giáo dục dành cho các trường, tôi nhìn thấy một thực tế khác: nếu chặt đứt hoàn toàn các khoản phụ thu, trường học sẽ "lực bất tòng tâm" khi muốn nâng cao hoạt động dạy và học.

Theo Nghị định 81, khung học phí đối với cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 dao động từ 300.000 đến 650.000 đồng với khu vực thành thị, 100.000-3000.000 đồng (nông thôn) và 50.000-220.000 (vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Các trường hầu như không dám thu kịch khung.

Do ngân sách nhà nước còn eo hẹp, học phí được coi như một nguồn thu bổ sung quan trọng. 40% học phí dùng để tạo nguồn cải cách tiền lương cho giáo viên. 60% còn lại dành cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, các hoạt động dạy học chuyên đề, phụ đạo, trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương...

60% của khoảng vài trăm nghìn học phí là con số "thu không đủ chi". Nhà trường vì thế phải nhờ đến các nguồn ủng hộ xã hội hóa từ phía phụ huynh. Đây là một cuộc đồng thuận giữa trường học và cha mẹ, nhằm chăm sóc tốt hơn cho con em.

Chúng tôi thuở nhỏ học trong những lớp học nóng bức, quạt không có, chưa nói tới máy lạnh; bàn ghế thậm chí mục, gãy, xiêu vẹo... Nhưng phải chấp nhận, vì bố mẹ chúng tôi ăn còn chưa đủ no, nói gì tới góp thêm tiền cho trường học. Tất cả trông chờ vào nhà nước.

Bây giờ, điều kiện sống của các gia đình, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đều đã khác. Khảo sát của Tổng cục Thống kê về mức sống dân cư 2020 cho thấy, đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Năm 2020, trung bình các hộ dân cư chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7% so với năm 2018.

Bọn trẻ đã quen sống trong những căn nhà bật điều hòa cả ngày, sẽ khó chịu khi ngồi trong những lớp học 50-60 bạn nhễ nhại mồ hôi. Nhưng ngân sách nhà nước làm sao đủ trang bị cho hàng trăm nghìn lớp học trên cả nước.

Mọi việc sẽ rất lý tưởng nếu sự phối hợp giữa trường học và phụ huynh là hoàn toàn trong sáng; tức trường học kêu gọi đóng góp được bao nhiêu, sẽ chi cho học sinh bấy nhiêu, ông hiệu trưởng và các vị trong ban giám hiệu hoàn toàn không tư lợi. Nhưng như mọi lĩnh vực khác, tham nhũng trong giáo dục vẫn thường xuyên xảy ra. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục năm 2017 của UNESCO cho biết, ở Liên minh châu Âu giai đoạn 2009-2014, 38% gói thầu trong ngành giáo dục chỉ có một nhà thầu tham dự, so với 16% gói thầu trong ngành xây dựng, cho thấy nguy cơ tham nhũng trong ngành giáo dục còn cao hơn so với ngành xây dựng.

Vì vậy, phụ huynh góp tiền để nhà trường mua điều hòa là hợp lý. Vấn đề phi lý nằm ở chỗ, năm nào cũng góp tiền mua điều hòa.

Nhưng sai đâu sửa đó. Không thể vì cái sai do sự lỏng lẻo trong quản lý giám sát thu chi tài chính mà đi đến những hành động cực đoan khác như xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc dừng chủ trương xã hội hóa, không cho phép người dân chia sẻ gánh nặng kinh phí giáo dục cùng Nhà nước.

Vấn đề này không phải thiếu hướng giải quyết. Theo tôi, thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán lại chi phí giáo dục cơ bản theo nguyên tắc tính đúng tính đủ, không chuộng rẻ. Trên cơ sở đó, chính sách học phí cần áp dụng linh hoạt hơn, tránh cào bằng. Các khu vực có thu nhập bình quân cao có thể điều chỉnh thu học phí ở mức cao hơn và ngược lại. Chủ trương này từng được đề cập đến trong Nghị quyết 90/CP-1997 nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và mạch lạc.

Thứ hai, tăng cường giám sát tài chính bằng việc thiết lập cơ chế, tổ chức độc lập để minh bạch các khoản phụ thu. Ban đại diện cha mẹ phụ huynh ngoài việc đứng ra thu hộ, cần có tiếng nói quyết định hơn trong giám sát thu chi. Việc giám sát cũng cần sự tham gia của đại diện ngành giáo dục và địa phương nhằm hạn chế sự tự tung tự tác của hiệu trưởng và ban giám hiệu trường.

Cũng trong báo cáo trên, bà Irina Bokova, cựu Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: "Giáo dục là trách nhiệm chung của chính phủ, nhà trường, giáo viên, phụ huynh".

Khi giáo dục còn những khiếm khuyết, tồn tại mang tính hệ thống, việc đổ lỗi lên một chủ thể nào đó, mà chưa xem xét thấu đáo các nguyên nhân, có thể dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng.

Quỹ phụ huynh không có tội. Không thu quỹ chắc chắn sẽ loại trừ mọi rủi ro. Nhưng không thu quỹ, thực sự, nhà trường và học sinh... rất tội.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
2 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại