Nỗi lòng lao động di cư ở Trung Quốc không thể về quê ăn Tết vì dịch bệnh
Đối với nhiều lao động di cư ở Trung Quốc năm nay là năm thứ 2 họ không thể trở về nhà đoàn tụ với gia đình dịp Tết Nguyên đán do ảnh hưởng của đại dịch.
Trong nỗ lực thuyết phục khoảng 300 triệu lao động di cư không về quê đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết Nguyên đán 2021, chính quyền Trung Quốc đã cho ban hành các quy định liên quan tới hoạt động đi lại, cũng như đưa ra nhiều sáng kiến hỗ trợ người dân.
Như mùa xuân mọi năm, anh Pang Qingguo, một người buôn hoa quả ở phía bắc Trung Quốc lại vượt quãng đường gần 1.300 km để về quê ăn Tết với gia đình.
Song khi dịch Covid-19 bùng phát vào mùa xuân năm 2020, anh Pang giống như nhiều người dân khác sinh sống ở thành phố Đường Sơn của tỉnh Hà Bắc phải chịu cảnh bị phong tỏa. Và giờ đây, Trung Quốc cũng đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng trở lại ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2021. Tình huống này buộc chính quyền các cấp ở Trung Quốc ban hành những quy định liên quan tới hoạt động cách ly và xét nghiệm. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới tâm lý của những người lao động di cư như anh Pang về việc nên hay không nên về quê.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tại Trung Quốc kéo dài 16 ngày bắt đầu từ ngày 12/2. Tết Nguyên đán đối với người dân Trung Quốc là dịp lễ quan trọng nhất để mọi người có thể đoàn tụ với người thân.
Theo anh Pang, quê hương anh ở tỉnh Hắc Long Giang là “nơi hạnh phúc nhất”, bởi nơi đó anh có cô con gái 7 tuổi đang ngóng chờ ngày cha trở về nhà đón Tết. Nhưng với anh Pang, mong muốn của con gái anh đã không thể trở thành hiện thực.
“Tôi thực sự rất nhớ con gái mình. Nhưng giờ tôi không thể trở về nhà”, anh Pang chia sẻ.
Nhiều người trong số 300 triệu lao động di cư cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự như anh Pang, dù nhớ nhà nhớ người thân nhưng họ không thể trở về quê hương. Bởi như những năm trước, cuộc đại di cư ở Trung Quốc được xem là giai đoạn giao thông đi lại tấp nập nhất trong năm. Việc tập trung đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng yêu cầu những người trở về quê ăn Tết phải thực hiện cách ly 14 ngày và trả chi phí lấy mẫu xét nghiệm. Đối với nhiều người lao động, những biện pháp như trên khiến họ không dám trở về quê.
Dư luận Trung Quốc cũng đang chỉ trích những biện pháp trên là sự bất công với lao động di cư, những người vốn lâu nay được xem là công dân hạng hai do hệ thống đăng ký hộ khẩu khắt khe ở Trung Quốc. Nếu không được đăng ký hộ khẩu, các lao động di cư sẽ không thể tiếp cận dịch vụ xã hội và y tế tại những thành phố mà họ tới làm việc. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, lao động di cư cũng là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất khi chính quyền địa phương ban hành phong tỏa ở một số nơi để ngăn chặn đại dịch, người lao động bị cắt giảm giờ làm và lương.
Như mọi năm, hàng trăm triệu người chọn cách di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa và ô tô để về quê ăn Tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp duy nhất mà nhiều lao động di cư được gặp gỡ người thân trong gia đình. Nhưng trong năm nay, nhiều người buộc phải chọn phương án ăn Tết một mình.
Cô Zhu Xiaomei làm việc cho một cửa hàng bán vải ở thành phố Hàng Châu thường mất 30 tiếng ngồi tàu để về quê ở tỉnh Tứ Xuyên đoàn tụ với gia đình. Năm nay sẽ là năm đầu tiên, cô Zhu không thể về quê và ở lại khu nhà trọ.
“Dĩ nhiên là tôi buồn rất nhiều. Tôi chưa từng phải trải qua cảm xúc như này”, cô Zhu (40 tuổi) tâm sự.
Đối với nhiều gia đình Trung Quốc, Tết Nguyên đán năm nay là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 chia cắt gia đình được dịp sum vầy.
Các quan chức Trung Quốc hiện lo ngại việc đi lại đông đúc sẽ làm dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi mà hoạt động xét nghiệm còn hạn chế và một số người không chịu tuân thủ lệnh cách ly, cũng như các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, theo chính phủ Trung Quốc, vẫn có hàng trăm triệu người đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay kéo dài từ cuối tháng Một cho tới tháng Ba bất chấp nguy cơ lây lan Covid-19.
Ưu đãi chưa từng có
Nhiều người trong số này tới các thành phố lớn chứ không chỉ về nông thôn. Do đó, một số thành phố lớn đã cho triển khai thắt chặt hoạt động di lại. Điển hình, Bắc Kinh yêu cầu những người tới thủ đô phải có giấy chứng nhận âm tính với virus mới được phép vào thành phố. Chính phủ Trung Quốc cũng đã có những sáng kiến níu chân lao động di cư như tặng quà, giảm giá mua sắm.
Tại thành phố Thượng Hải, chính quyền địa phương sẽ trả phí điện thoại và y tế cho những lao động di cư không về quê ăn Tết. Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố khuyến khích các công ty trả thêm lương cho nhân viên làm thêm giờ, trong khi những lao động giúp việc có thể nhận được mức lượng 60 USD nếu họ làm việc xuyên Tết. Tại thành phố Thiên Tân, chính quyền địa phương hứa sẽ hỗ trợ cho những công nhân ở lại làm việc hết Tết.
Một số thành phố và quận huyện còn hứa sẽ để người lao động di cư được tiếp cận phúc lợi xã hội như nhập học và chăm sóc y tế.
Cô Shi Baolian (47 tuổi), một công nhân tại nhà máy hóa chất ở thành phố Tô Châu từng mong chờ tới ngày nghỉ Tết để có thể về quê giúp người cha già dọn dẹp nhà cửa. Nhưng hiện tại, cô buộc phải hủy bỏ kế hoạch sau khi tỉnh Hà Bắc xuất hiện cụm lây nhiễm.
Theo cô Shi, cô sẽ ăn Tết với chồng ở thành phố Tô Châu thay vì về quê.
“Tôi không thể về nhà, do đó tôi chỉ có thể đi làm. Khi dịch bệnh qua đi, tôi sẽ về nhà với bố”, cô Shi nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận