menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thanh Thùy

Nỗi lo thiếu lao động sau dịch Covid 19

Với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, cần nhiều biện pháp mạnh mẽ để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, từ tháng 6 đến nay đã có 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người. Không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống, nhiều người lao động từ các thành phố đã lũ lượt về quê. Theo các chuyên gia, với tâm lý e ngại, không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát, cộng thêm một lực lượng lớn lao động cũng sẽ chuyển hướng sang việc làm tự do, có thể dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp khi phục hồi sản xuất.

Trước tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp cho biết đang nỗ lực để giữ chân người lao động. Đơn cử như một doanh nghiệp ở Bình Dương đang duy trì làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” với 150 công nhân, còn lại đã phải cho phần lớn người lao động nghỉ việc. Tuy nhiên, những công nhân bị nghỉ việc tạm thời vẫn được hưởng 50% tổng thu nhập, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Công ty này cho biết vẫn cố gắng trả lương cho người lao động đúng hạn để có thể giữ chân được nguồn lao động đã đào tạo hàng năm trời, chờ trạng thái bình thường mới trở lại để ổn định sản xuất.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng chia sẻ, để duy trì lực lượng lao động làm việc “3 tại chỗ”, chi phí bình quân cho một người lao động tăng lên khoảng 2,2 lần, bao gồm tiền lương vẫn giữ như cũ, thêm phụ cấp theo ngày làm và tiền sinh hoạt, ăn uống... Trung bình doanh nghiệp này phải bỏ ra 20 triệu đồng cho mỗi lao động, trong khi lương trung bình 6 tháng đầu năm của tập đoàn là 8,5 triệu đồng/lao động/tháng. Tuy chi phí tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì lực lượng lao động, quyết tâm giữ các đơn hàng quan trọng, đảm bảo năng suất bằng 60% so với bình thường.

Dù vậy các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Kể từ khi áp dụng mô hình làm việc “3 tại chỗ”, ở tuần đầu tiên, năng suất tăng cao và ổn định, nhưng khi đã kéo dài đến 3-4 tuần, tâm lý của người lao động rất bất ổn, năng suất đi xuống mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng tạo điều kiện sinh hoạt tại chỗ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, người lao động cũng mong được về nhà và muốn được tiêm vaccine để yên tâm làm việc.

Thực tế, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người lao động và cả người sử dụng lao động, tiêu biểu là Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành với quy mô khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các nhóm chính sách như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất… đã có tác động tích cực tới việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, cần nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho rằng, nên để doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực của mình thực hiện test nhanh tại chỗ cho công nhân và phát triển đội ngũ y tế của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có sự điều phối vaccine, ưu tiên cho những doanh nghiệp đang phải tạm dừng hoạt động.

Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, doanh nghiệp cần có chính sách thu hút, giữ chân người lao động, bằng mọi cách duy trì nguồn lao động để chuẩn bị sẵn sàng sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Với doanh nghiệp chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19, cần chủ động trong việc xây dựng phương án phòng chống dịch tại nhà máy, phân luồng, phân khu để đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.

Còn bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu mong mỏi các địa phương sẽ chung tay cùng doanh nghiệp giữ chân người lao động trong thời điểm khó khăn bằng việc linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đưa ra nhận định, theo dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy việc đứt chuỗi cung ứng vật liệu, sản xuất, hàng hóa có thể khắc phục trong một năm hoặc 9 tháng, nhưng đứt chuỗi cung ứng lao động thì có thể mất thời gian gấp 3 lần, tức là ít nhất 27 tháng.

Chính vì vậy Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế, người già thì cần ưu tiên và làm ngay việc hỗ trợ, tập trung tiêm vaccine cho khu vực tăng trưởng, cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp, lao động trong lĩnh vực tiếp xúc cao, đội ngũ chuyên gia.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương chú trọng triển khai giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo và đào tạo lại người học gắn với thị trường, có kế hoạch để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả