Nỗi lo lợi suất trái phiếu Mỹ tăng
Lợi suất trái phiếu Mỹ ghi nhận mức tăng vọt trong những ngày đầu năm mới 2021. Điều này gây ra nỗi lo lắng cho không ít nhà đầu tư cổ phiếu.
Lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua cổ phiếu
Trong vòng chưa đầy 2 tuần, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ghi nhận mức tăng cao, đặc biệt là các loại trái phiếu dài hạn. Lãi suất của các trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 30 năm tăng lần lượt 20 điểm và 22 điểm.
Chênh lệch lợi suất giữa các trái phiếu dài hạn và các trái phiếu kỳ hạn 2 năm, những trái phiếu mà lâu nay các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường có ảnh hưởng mạnh mẽ, được nới rộng đáng kể.
Cụ thể, mức chênh lệch tăng từ 80 điểm lên 98 điểm cho trái phiếu 10 năm và từ 152 điểm lên 174 điểm cho trái phiếu 30 năm.
Trước đó, Fed liên tục ban hành các chính sách nhằm kìm hãm lãi suất tại một ngưỡng ổn định, với những mục tiêu được cho là hạn chế tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 gây ra với nền kinh tế.
Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, giới phân tích cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn và là nhân tố tác động mạnh tới dòng chảy của các nguồn vốn vào cổ phiếu, làm giảm sức hấp dẫn của loại tài sản này.
Thông thường, lãi suất ngân hàng cũng như lãi suất/lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua trên thị trường chứng khoán, tác động đến các mô hình tính toán liên quan đến chiết khấu dòng tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu tăng sẽ tác động đáng kể đến một số lĩnh vực như đầu tư nhà đất.
Vì sao lợi suất trái phiếu tăng?
Các động thái gần đây của chính quyền Mỹ, đặc biệt là của Fed cho thấy, nước này chưa có ý định kết thúc gói cứu trợ kinh tế đang được triển khai.
Tuy nhiên, gói cứu trợ hiện tại cũng như những gói kích thích kinh tế trước đó chưa thể hiện rõ ràng tới tăng trưởng kinh tế.
Thậm chí, triển vọng tăng trưởng trở lại của nền kinh tế ngày càng mờ mịt khi số ca lây nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 tăng mạnh. Các báo cáo công bố gần đây cho thấy, có thêm 140.000 người Mỹ thất nghiệp chỉ tính riêng trong tháng 12/2020. Tình trạng này khó có thể khiến Fed rút đi các gói cứu trợ, trong đó có chính sách lãi suất thấp.
Nếu kinh tế có xu hướng xấu, nhiều khả năng Fed sẽ mở rộng bảng cân đối, bơm thêm tiền ra thị trường và không có điều gì có thể làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư về việc sẽ luôn có một lượng người mua trái phiếu chính phủ ổn định.
Một yếu tố khác là chiến thắng vừa qua của Đảng Dân chủ tại hai ghế thượng nghị sĩ ở bang Georgia, điều kiện cần thiết để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện từ Đảng Cộng hòa, qua đó hiện thực hóa đề xuất về các gói kích thích quy mô lớn.
Điều này làm tăng nguy cơ thâm hụt ngân sách chính phủ và nợ vay. Trước đó, Đảng Dân chủ đề xuất tăng mạnh quy mô các gói kích thích kinh tế, nhưng Đảng Cộng hòa phản đối vì quá đắt đỏ.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ đang nợ rất nhiều, nợ quốc gia tăng nhanh trong năm 2020 vì triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế. Với nhiều khoản nợ sắp đến hạn, Chính phủ có thể phải đảo nợ, tái cấp vốn cho khoản nợ và lãi suất cần ở mức thấp để thực hiện điều đó.
Mặc dù vậy, Fed không chỉ cam kết duy trì hoạt động thu mua tài sản quy mô lớn mà còn mở rộng việc chuyển dịch và gia tăng giao dịch mua sang thời hạn dài hơn, những động thái này khó có thể làm thay đổi giá trị lãi suất ngay lập tức.
Động lực đáng kể nhất khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng có lẽ là dự đoán về lạm phát cao hơn và sự do dự của những người mua trái phiếu. Dự đoán về lạm phát cao hơn được đưa ra dựa trên những động thái phá vỡ lạm phát và những động thái trên những thị trường nhạy cảm với lạm phát.
Trong khi đó, tâm lý do dự xuất hiện bởi các quan điểm trên thị trường chứng khoán rằng, trái phiếu chính phủ - với việc bị Fed kìm nén và đối mặt với triển vọng bất cân xứng - không còn là lựa chọn lý tưởng để hạn chế rủi ro đầu tư.
Lãi suất trái phiếu thực tế vẫn âm
Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng có thể khiến cho cả nhà đầu tư cổ phiếu và nhà hoạch định kinh tế lo ngại.
Fed đang hy vọng lạm phát cao hơn, cơ quan này sẽ không muốn lạm phát tăng được hiện thực hóa thông qua “lạm phát đình trệ” - nghĩa là lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng.
Bởi vì, Fed sẽ có rất ít giải pháp, nếu không muốn nói là không có giải pháp nào, để có thể dẫn nền kinh tế thoát khỏi trạng thái đó.
Điều này, kết hợp với tác động lên thu nhập của các doanh nghiệp trong nền kinh tế trì trệ, sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa các định giá tài sản với những yếu tố và quy luật cơ bản.
Trong thời điểm hiện nay, quan điểm phổ biến nhất, chi phối thị trường, là cổ phiếu và các tài sản rủi ro tiếp tục tăng do lượng thanh khoản dồi dào đến từ các ngân hàng và lượng tiền dồi dào đầu tư vào các quỹ tư nhân.
Dẫu cho lợi suất trái phiếu chính phủ có tăng, điều quan trọng nhất là lãi suất thực tế vẫn mang giá trị âm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện đạt 1,13%/năm, tuy nhiên, lãi suất thật vẫn ở mức âm 0,93%.
Lãi suất thực âm sẽ không gây ra trở ngại lớn tới khả năng tăng của giá cổ phiếu trong thời gian tới, bởi cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ đang vật lộn để bù đắp sự ăn mòn của lạm phát.
Trước đó, dòng tiền ào ạt chảy vào cổ phiếu kể từ tháng 3 đến nay là nguyên nhân chính khiến lãi suất trái phiếu chính phủ thực tế tuột dốc.
Vậy khi nào thì lãi suất trái phiếu sẽ thực sự gây ra vấn đề lớn cho thị trường chứng khoán? Theo James Meyer, Giám đốc đầu tư tại Tower Bridge Advisors, khi mà lãi suất thực tế gia tăng đến mức trái phiếu có thể sinh ra lợi nhuận dương và có thể được điều chỉnh theo lạm phát.
Tuy nhiên, sự gia tăng này sẽ khó có thể xảy ra trước những chính sách cứng rắn tới từ Fed trong thời gian tới, ít nhất là cho đến khi nền kinh tế có thể vực dậy sau đại dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận