menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Thu Hiền

Nỗi lo khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thành lập mới so với tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động. Nhìn rõ thực trạng, từ đó Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn, giúp DN phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bất định như hiện nay.

Mới đây, một doanh nghiệp (DN) có doanh thu nhiều năm vài nghìn tỷ đồng và lãi hàng trăm tỷ đồng như Garmex Sài Gòn lại đang cho thấy tình trạng “sức khỏe” đáng báo động. Từ công ty may rất lớn ở TP.HCM với 5 nhà máy, khoảng 4.000 công nhân, đến hết tháng 9 chỉ còn vỏn vẹn 37 nhân sự.

Làm thì lỗ, không làm thì phá sản

Báo cáo tài chính cho thấy, cả quý III/2023, Garmex Sài Gòn chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 73 triệu đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh, bà Nguyễn Minh Hằng, Tổng Giám đốc Garmex Sài Gòn cho hay, công ty không có đơn hàng, doanh thu trong quý III/2023 đến từ dịch vụ.

Nỗi lo khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

10 tháng năm 2023, cả nước có tới 146,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Dù đã tiết giảm chi phí, song Garmex Sài Gòn cho biết, giá thuê đất tăng làm tăng chi phí trong kỳ. Garmex Sài Gòn tiếp tục lỗ gần 11 tỷ đồng trong quý III/2023, xấp xỉ mức năm trước. “Công ty sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng”, bà Hằng chia sẻ.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2023, cả nước có 183,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên cũng có tới 146,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng tới 20%.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá đó là con số cần lưu tâm, bởi số DN đăng ký thành lập mới chưa chắc đã chính thức hoạt động, nhưng số DN rời bỏ thị trường là con số thực.

“Số DN rút lui khỏi thị trường ở mức cao, đà tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa bền vững, khảo sát các thành phố lớn sẽ thấy tình cảnh đìu hiu do các hộ kinh doanh đóng cửa hàng quán…", ông Thiên chỉ ra

Tại Nghị trường Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các Đại biểu cũng bày tỏ những lo ngại về việc DN rời bỏ thị trường. Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), chia sẻ việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương còn mất nhiều thời gian. Ngay cả những khu vực mỏ, vật liệu, quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thủ tục cấp phép khai thác cũng rườm rà, rắc rối. Tình trạng găm hàng, ép giá vật liệu đang diễn ra nhiều nơi, DN chơi vơi giữa dòng giá, “làm thì lỗ, không làm thì phá sản”.

Vì vậy, đại biểu Thắng đề nghị: Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo điều chỉnh các định mức phù hợp, hướng dẫn kịp thời, rút gọn, đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ, vật liệu, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, đánh giá tác động để sớm đưa sử dụng các vật liệu mới thay thế.

Bên cạnh đó, đại biểu Thắng cũng nêu dù đã thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư, các dự án nhà ở xã hội, nhưng đến nay vẫn rất ít DN mặn mà. Gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ nhưng lại ế ẩm hàng ngàn căn hộ không ai thuê mua.

“Theo tôi, sự tồn tại của cả núi thủ tục, cả rừng quy định hành chính cùng với những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư”, đại biểu Thắng chia sẻ.

Đánh giá hiệu quả các gói hỗ trợ

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh chỉ ra cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, DN lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, trái phiếu DN đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế do dòng tiền về chậm khiến DN lao đao, sản xuất cầm chừng.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ vốn, DN còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản, khó vượt.

Đặc biệt sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN do một số Bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy DN lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu Thạch Phước Bình dẫn số liệu, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 DN gia nhập thì có 8 DN rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý I/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số DN rút khỏi thị trường cao hơn số DN mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong một tháng quý I có gần 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Bình Định phân tích, tổng số các DN rút lui khỏi thị trường tập trung vào các lĩnh vực có số đông lao động và người phụ thuộc nhiều như: Điện thoại và linh kiện, giày dép, dệt may, đồ gỗ. Người lao động mất việc tại nhiều khu công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm ngày 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy số DN đang tăng về cơ học.

Đại biểu Thủy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, DN phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Qua đó cũng cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các DN, giãn khoản đóng góp cho DN như thuế, cho DN vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà. Tăng cường các gói tín dụng cho người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thực hiện hiệu quả chính sách giải quyết việc làm, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện các chương trình tín dụng đào tạo nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn số liệu DN thành lập mới cũng như DN xin tạm ngừng hoạt động, cụ thể tỷ lệ DN thành lập mới so với tỷ lệ số DN tạm ngừng hoạt động. Đồng thời, các đại biểu cho rằng cần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

Nỗi lo khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu

Trong 9 tháng năm 2023 số DN rút lui khỏi thị trường là 135.000. Như vậy, bình quân một tháng có 15.000 DN rút lui khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp tại thời điểm ngày 01/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này, kịp thời quan tâm, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng DN giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ DN và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn nữa.

Nỗi lo khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Ông Trần Anh Vương - Tổng Giám đốc Công ty CP Western Pacific

Điều quan trọng là làm sao khôi phục lại niềm tin của DN. Niềm tin của DN đâu đó được tăng lên, nhưng để DN mạnh tay xuống tiền đầu tư thì vẫn còn nhiều băn khoăn. DN chỉ có xuống tiền khi họ thấy niềm tin để đầu tư. Niềm tin chưa tốt thì DN sẽ ở tâm lý phòng thủ nhiều hơn. Chính phủ, cũng như cộng đồng DN cần có giải pháp để gia tăng lòng tin, từ đó mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nỗi lo khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Đoàn Tp.Hà Nội

Để phục hồi, phát triển kinh tế, điều bạn quan trọng là cải cách thể chế, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời, cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn để tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và DN có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại