Nỗi lo “6 chữ bó nghìn tỷ”
Cách hiểu và gọi nôm na, mơ hồ giữa “vốn nhà nước” và “vốn doanh nghiệp” nếu không được minh định sẽ gây ra những hệ quả, rào cản lớn với doanh nghiệp.
Câu chuyện “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”
Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sẽ thay thế Luật số 69/2014/QH13 - Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp) cần tiếp tục được chỉnh sửa. Trong đó, một trong những yêu cầu là không được đánh đồng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn nhà nước, bởi vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vốn nhà nước khi đã đầu tư vào doanh nghiệp thì thành vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Vốn nhà nước cùng vốn của các cổ đông khác hình thành vốn của doanh nghiệp. Có vốn, doanh nghiệp mới đầu tư kinh doanh, ký kết hợp đồng, thế chấp để vay vốn. Nếu không coi phần vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể hoạt động. Theo quy định, pháp nhân phải có tài sản riêng, giao cho doanh nghiệp tài sản, cử người đại diện thì phải coi đó là tài sản kinh doanh của doanh nghiệp để họ sử dụng. Doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chủ sở hữu hoặc cổ đông nhà nước có quyền rút hay để lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định, pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác (Điều 74); tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân (Điều 81).
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty (Điều 4); thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông công ty cổ phần (sau đây gọi chung là “chủ sở hữu”) phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty (Điều 35).
Các luật đã quy định rõ như vậy, nhưng câu chữ trong dự thảo luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp và giới chuyên gia lo ngại.
Cụ thể, dự thảo đưa ra khái niệm “vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, với định nghĩa là “phần vốn của Nhà nước làm chủ sở hữu được đầu tư tại doanh nghiệp” (doanh nghiệp F1 - PV), hoặc “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp F1).
Điều này xung đột trực tiếp với quy định tại Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp.
Một bất cập khác được đại diện Bộ Quốc phòng chỉ ra là vốn nhà nước góp vào doanh nghiệp đã hòa cùng các dòng vốn khác của cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức, cổ đông nước ngoài để đầu tư cho các dự án, hoạt động của doanh nghiệp, không thể phân biệt được trong dòng vốn đầu tư ấy đồng nào của cổ đông nhà nước, đồng nào của cổ đông cá nhân, hay nói vui là “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.
Trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp cũng chỉ thể hiện dòng tiền và ghi nhận khoản mục vốn chủ sở hữu, tài sản của doanh nghiệp, chứ không thể phân tách đồng vốn của từng nhóm cổ đông.
Góp ý cho dự thảo Luật tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công văn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích từ ngữ. Cụ thể, “đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong dự thảo Luật để thống nhất các thuật ngữ, khái niệm được quy định trong dự thảo Luật, đặc biệt làm rõ các khái niệm ‘vốn nhà nước’, ‘vốn của doanh nghiệp’, ‘vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp’. Việc không rõ các khái niệm này có thể dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, không phân biệt được giữa vốn nhà nước với vốn của doanh nghiệp”.
6 chữ “đại diện chủ sở hữu vốn” và vướng mắc thực tế tại doanh nghiệp
Nếu không minh định vấn đề đại diện chủ sở hữu vốn, các doanh nghiệp có vốn góp của SCIC và bản thân Tổng công ty có thể bị ảnh hưởng lớn.
Nỗi lo về câu chữ và các cách hiểu khác nhau ở quy định văn bản pháp luật không phải là câu chuyện ở thì tương lai, mà có thể xảy ra với bất cứ doanh nghiệp nào ở hiện tại.
Lấy câu chuyện tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để phân tích, giới chuyên gia nhận định, nếu không minh định vấn đề này, các doanh nghiệp có vốn góp của SCIC và bản thân Tổng công ty có thể bị ảnh hưởng lớn. Câu hỏi đặt ra là “vốn tại doanh nghiệp sau khi SCIC nhận bàn giao là vốn của SCIC hay vốn nhà nước?”.
Bàn về câu chuyện này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hiện nhiều người có quan niệm và hiểu rằng, sở hữu nhà nước có đặc tính đại diện, tức là không của một “ông/bà chủ” nào cụ thể. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp được Nhà nước đầu tư vốn.
Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định, SCIC là một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành khác, trong khi SCIC về bản chất là doanh nghiệp, phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật khác, hoàn toàn không giống cơ quan hành chính đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
“6 chữ này (đại diện chủ sở hữu vốn - PV) có thể gây hiểu nhầm rằng, SCIC chỉ có quyền đại diện mà không có quyền sở hữu như các chủ sở hữu khác”, ông Thành nói.
Trong khi đó, các nghị định khác quy định rõ quyền làm chủ của SCIC với phần vốn tại doanh nghiệp được Nhà nước chuyển giao về SCIC.
Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định, vốn chủ sở hữu của SCIC bao gồm vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 147/2017/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 151/2013/NĐ-CP quy định: “Tổng công ty có trách nhiệm phản ánh đầy đủ giá trị vốn Nhà nước góp tại các doanh nghiệp đã nhận chuyển giao theo giá trị vốn được xác định tại Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước giữa các bên hoặc Biên bản điều chỉnh việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước (nếu có)”.
Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 148/2017/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC quy định, Tổng công ty được quyền chủ động quyết định đầu tư thêm vốn, bán vốn tại các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ này.
Điểm b Khoản 1 Điều 65 Nghị định số 148/2017/NĐ-CP quy định, trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của SCIC có thể tăng lên do vốn tiếp nhận theo giá trị sổ kế toán từ các công ty nhận chuyển giao.
Hơn nữa, theo các quy định về kế toán hiện hành, không thể ghi nhận vốn tại doanh nghiệp chuyển giao về SCIC là vốn nhà nước, vì sẽ dẫn đến một đồng vốn nhà nước bàn giao về SCIC được phản ánh trùng ở hai pháp nhân độc lập, thể hiện trên báo cáo tài chính của hai doanh nghiệp: một là vốn nhà nước tại SCIC; hai là vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chuyển giao cho SCIC.
Sự vênh nhau trong cách hiểu về câu chữ tại các nghị định còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Cụ thể, nếu coi vốn tại doanh nghiệp chuyển giao về SCIC là vốn nhà nước, thì dòng vốn này phải tuân thủ các quy định của Luật 69/2014/QH13, các doanh nghiệp có dòng vốn này phải áp dụng các quy định của Luật 69/2014/QH13.
Đơn cử, khi doanh nghiệp chia cổ tức phải xin ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp. Lãnh đạo một doanh nghiệp băn khoăn, cơ quan tài chính cùng cấp với doanh nghiệp là cơ quan nào, vì doanh nghiệp hiện không thuộc địa phương để có thể xin ý kiến Sở Tài chính, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở; doanh nghiệp cũng không thuộc bộ, ban, ngành để xin ý kiến Bộ Tài chính.
Thực tế, hàng chục năm qua, việc chia cổ tức được thực hiện bằng cách lấy ý kiến các cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp, trong đó có cổ đông SCIC.
Không chỉ chia cổ tức, mà cả các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cũng phải tuân theo quy định của Luật 69/2024/QH13. Điều này có thể dẫn tới hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp bị “bó chặt” do không có cơ sở thực hiện.
Trong các văn bản của Bộ Tài chính gửi SCIC công nhận thực tế, thời gian qua, SCIC thực hiện quyền cổ đông thành viên góp vốn tại các doanh nghiệp tiếp nhận theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện quản lý vốn tại các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật về quản lý vốn của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Hiển nhiên, vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước chuyển giao về SCIC phải trở thành vốn của SCIC thì tổng công ty này mới có các quyền như vậy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận