Nội bộ Twitter trong ba tháng Musk tiếp quản
Hỗn loạn là từ được một số nguồn tin nội bộ mô tả về tình hình tại Twitter kể từ khi tỷ phú Elon Musk nắm quyền.
Ngày 28/10/2022, Elon Musk chính thức tiếp quản Twitter với giá 44 tỷ USD. Chỉ sau ba tháng, nhiều biến động đã diễn ra bên trong mạng xã hội, trong khi uy tín của Musk được cho là cũng đang đi xuống.
Nội bộ xáo trộn ngay từ ngày đầu
Ngày 26/10/2022, hai ngày trước khi Musk trở thành ông chủ Twitter, kỹ sư Alicia ngồi trong phòng họp ở San Francisco, cố gắng giải thích chi tiết về công nghệ Twitter đang có cho Musk. Cô và một nhóm đồng nghiệp được giao nhiệm vụ phác thảo cách thức hoạt động của cơ sở hạ tầng cốt lõi của mạng xã hội cho ông chủ mới.
Musk, ngồi cách Alicia hai ghế, chống khuỷu tay lên bàn, không hoàn toàn lắng nghe và trông có vẻ buồn ngủ. Khi bài trình bày kết thúc, ông đặt câu hỏi về chi phí như Twitter chi bao nhiêu cho trung tâm dữ liệu, tại sao đắt đỏ như vậy... Cô bắt đầu giải thích về hiệu quả của trung tâm dữ liệu, nhưng Musk ngắt lời: "Tôi đã viết các chương trình bằng ngôn ngữ C từ những năm 90, tôi hiểu máy tính hoạt động như thế nào".
Hôm sau, Alicia và các đồng nghiệp tổ chức tiệc Halloween. Không giống như các năm trước, không khí được mô tả như "ma ám". Không mấy người vui khi có tin đồn Musk đã lên kế hoạch cắt giảm 75% nhân sự. Trên kênh Slack nội bộ, một số chào tạm biệt nhau, dù chưa có thông tin sa thải nào từ Musk.
Ngay trong ngày đầu tiên tiếp quản, đội ngũ thân cận của Musk, gọi là Goons, đã ra lệnh: "Ông chủ muốn xem những gì các bạn đã làm, hãy in ra 50 trang mã đã thực hiện trong 30 ngày qua". Các kỹ sư hốt hoảng bắt đầu lùng sục khắp văn phòng để tìm máy in.
Vài giờ sau, nhóm Goons gửi thông báo mới: "Cập nhật: Dừng in. Vui lòng sẵn sàng đưa mã code, tốt nhất trong vòng 30-60 ngày qua, lên màn hình máy tính. Nếu đã in, vui lòng bỏ vào thùng rác".
22h cùng ngày, Goons yêu cầu các quản lý xếp hạng nhân viên để loại bỏ những người có thành tích thấp nhất. Amir Shevat, quản lý nền tảng dành cho nhà phát triển của Twitter, bối rối vì không biết phải làm gì trong thời gian ngắn, các yêu cầu không có tiêu chí cụ thể theo thâm niên, doanh thu hay năng suất làm việc. Ngay cả Shevat cũng không biết liệu vị trí của ông có bị ảnh hưởng.
Ngày 3/11/2022, nhân viên Twitter nhận email không có chữ ký, thông báo việc sa thải bắt đầu. Sáng hôm sau, tròn một tuần sau khi Musk thành ông chủ, một nửa lực lượng lao động Twitter, tương đương hơn 3.000 người, mất việc. Việc sa thải đã quét sạch công việc của Shevat và toàn bộ nhóm của ông. Alicia vẫn giữ vị trí, nhưng ở lại với "cảm giác tội lỗi của người sống sót", như lời cô mô tả.
Chính sách thu phí bất cập
Trong khi đa số những người ở lại cảm thấy lo sợ và hỗn loạn, một số khác lại nhìn thấy cơ hội, như Esther Crawford.
Trước khi Musk đến, Crawford là giám đốc cấp cao, chuyên về các sản phẩm cho phép người sáng tạo kiếm tiền từ tài khoản Twitter. Việc CEO mới đến và nhanh chóng tìm cách kiếm tiền từ nền tảng khiến Crawford lập tức được trọng dụng.
Những kế hoạch của Crawford nhanh chóng được Musk chấp nhận. Cô sau đó nằm trong nhóm điều hành dịch vụ thu phí Twitter Blue. Ban đầu, Musk đưa ra khoản phí 20 USD mỗi tháng, nhưng giảm còn 8 USD do bị phản ứng từ cộng đồng.
Nhóm An toàn và Tin cậy của Twitter đã soạn một tài liệu dài bảy trang, nêu rõ những nguy cơ liên quan đến việc xác minh có trả phí, như mạo danh, tin giả, bị lợi dụng cho mục đích chính trị... Nhưng Musk từ chối thực hiện bất kỳ khuyến nghị nào từ nhóm.
Hệ thống xác minh danh tính Twitter Blue được triển khai từ 5/11/2022. Gần như ngay lập tức, những khuyến cáo trên thành hiện thực khi các tài khoản giả mạo nhưng lại có dấu tích xanh tràn ngập nền tảng, đăng hàng loạt thông tin sai lệch hoặc gây hại. Vài ngày sau, tính năng bị đóng, còn người đứng đầu nhóm là Yoel Roth từ chức.
Uy tín của Elon Musk đi xuống
Sai lầm trong kế hoạch thu phí của Musk bị đánh giá là "để lại vết sẹo sâu khó xóa". Thực tế, trước khi ông đến Twitter, nền tảng chủ yếu kiếm tiền từ quảng cáo. Twitter Blue đem lại doanh thu ít ỏi, nhưng khiến hàng loạt nhà quảng cáo rút hợp đồng, làm cho uy tín của Musk suy giảm nghiêm trọng.
Trong một loạt tweet sau đó, Musk đổ lỗi Twitter sụt giảm doanh thu là do "các nhóm hoạt động gây áp lực tới các nhà quảng cáo". Ngày 10/11/2022, Musk lần đầu tập hợp nhân viên để nói chuyện. Ông cho biết sẽ có thêm các đợt sa thải nữa, đồng thời hủy bỏ những chính sách đãi ngộ đã hứa với toàn bộ nhân viên.
Sáu ngày sau, Musk gửi thư tối hậu thư tới gần 3.000 nhân viên còn lại về kế hoạch xây dựng Twitter 2.0 và yêu cầu cần họ "cực kỳ chăm chỉ" hoặc bị cho thôi việc. Một số chủ động chọn rời bỏ Twitter. Đến tháng 12 năm ngoái, hơn nửa số nhân viên Twitter đã bị sa thải hoặc tự nghỉ. Những người còn lại được thông báo sẽ không có kỳ nghỉ Giáng sinh dài ngày.
Theo Guardian, Musk cố gắng lấy lại niềm tin bằng cách tiết lộ thông tin mật, gọi là Twitter Files, tới một số nhà báo. "Twitter vừa là một công ty truyền thông xã hội vừa là hiện trường vụ án", Musk nói trên Twitter tháng trước. Một trong các nhà báo được ông gửi dữ liệu là Matt Taibbi. Trong loạt tweet giữa tháng 12, Taibbi công bố tên, email, cấp bậc và hồ sơ nhân viên cũ của Twitter từng liên lạc với quan chức chính phủ. Một số nhân viên Twitter vội vã cảnh báo khi đồng nghiệp cũ của mạng xã hội bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Các tweet của Taibbi sau đó đã bị xóa.
Trong khi đó, chính sách của Musk tiếp tục khiến Twitter "chảy máu" dòng tiền, đến mức các văn phòng không có tiền thanh toán và bị kiện, còn ông phải đưa ra biện pháp thắt chặt chi tiêu cực đoan. Đêm Giáng sinh 2022, Twitter đột ngột đóng một trung tâm dữ liệu ở Sacramento, California và thu hẹp đáng kể quy mô trung tâm khác ở Atlanta, Georgia. Nền tảng gặp sự cố ngừng hoạt động ngay sau đó. Lần tồi tệ nhất là đầu tháng 1, khi website bị sập trong hơn 12 tiếng.
Sự rối ren tại Twitter cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác mà Musk đang điều hành. Giá cổ phiếu Tesla giảm từ 400 USD xuống còn 123 USD trong năm 2022. Các nhà đầu tư yêu cầu Musk từ bỏ vị trí điều hành Twitter. Dù vậy, trong một tin nhắn nội bộ, ông nói: "Chuyện này liên quan gì đến ôtô?".
Musk cũng khẳng định chỉ làm CEO Twitter tạm thời cho đến khi tìm ra ai đủ dũng cảm ngồi vào vị trí thay ông. "Những thất bại của Musk tại Twitter đã làm hỏng danh tiếng của ông, người trước đó được xem là thiên tài. Ông ấy thực sự thông minh đến mức nào khi mua một công ty với giá cao hơn nhiều so với thực tế, sau đó ném những gì còn lại xuống đất?", Guardian bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận