Nợ xấu và sandbox
Bên cạnh kết quả tích cực đạt được trong năm 2020, ngành ngân hàng cần thêm những chuyển biến mới trong cơ chế, chính sách.
Luật hóa Nghị quyết 42
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2020 để đảm bảo phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ, bán, phát mại tài sản, bán nợ theo cơ chế thị trường, sử dụng dự phòng rủi ro…
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 10 tháng đầu năm, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 101.000 tỷ đồng, trong đó khách hàng trả nợ 29.100 tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro 56.300 tỷ đồng, các hình thức còn lại là 15.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%, nhưng do tác động của dịch Covid-19 đã tăng lên 2,09% vào cuối tháng 10/2020.
Thông tin thêm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, dựa trên danh mục 21 ngân hàng với tổng dư nợ cho vay tại cuối quý III/2020 tăng 10,7% so với cùng kỳ 2019, lên mức 5.641 tỷ đồng và chiếm 64,9% tín dụng toàn hệ thống, chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng này đã tăng 14,2% và lợi nhuận trước dự phòng tăng 13,1% so với cùng kỳ, đưa tỷ trọng chi phí dự phòng/lợi nhuận trước dự phòng lên mức 39,9% trong 9 tháng đầu năm 2020 từ mức 39,5% của cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cho vay chỉ tăng 9,9%, thấp hơn mức tăng nợ xấu là 13,2%, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,85% vào cuối quý III/2020 so với mức 1,81% của cùng kỳ 2019; tỷ lệ bao nợ xấu theo đó giảm xuống mức 84,8% vào cuối quý III/2020 so với mức 87,3% của cùng kỳ 2019. Không chỉ cao hơn cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng này vào cuối quý III/2020 còn cao hơn so với con số của quý liền trước ở mức 1,76% và 84,5%.
Liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thông tin, sau 3 năm triển khai, công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả khả quan, tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện… Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 10/2020 đã xử lý được 314.320 tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết này.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết: “Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án 1058 (2 văn bản quy phạm pháp luật rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn) đã có tác động thực sự đến nhận thức, trách nhiệm của người vay, người cho vay; giải tỏa nhiều nút thắt trong xử lý nợ”.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Tú cũng cho biết vẫn tồn tại một số khó khăn về thực hiện quyền thu giữ tài sản, giải quyết theo thủ tục rút gọn của tòa án, thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thu được và tính quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý nợ xấu.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các số bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời nghiên cứu luật hóa Nghị quyết 42 thành Luật Xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng hoặc là một bộ phận cấu thành của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tạo niềm tin vững chắc cho các thủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ - ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.
Mặt khác, ông Tú nói: “Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm xây dựng và vận hành sàn giao dịch nợ xấu để tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như tăng thu hút các chủ thể tham gia..., từ đó sớm hoàn thiện thị trường mua bán nợ theo thông lệ và cam kết quốc tế”.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01 theo hướng: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 không có khả năng trả nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020 bằng hình thức cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; thứ hai, cho phép kéo dài thời gian cơ cấu (trên 12 tháng) đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, chưa có doanh thu như lưu trú, vận tải, nhà hàng, đào tạo…
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch dự kiến ở mức 0,5-1% tổng dư nợ và sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản, từ đó dần tác động lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng trong năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 5.
Vẫn đợi cơ chế thử nghiệm (sandbox)
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, thực tế, giao dịch điện tử có nhiều loại dịch vụ hiện đại, nhưng chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Việc áp dụng các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính - ngân hàng gây ra nhiều rào cản để các doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số.
“Vì vậy, sandbox sẽ là cơ chế rất phù hợp để khuyến khích các dịch vụ mới ra đời và là nền tảng để các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng, có thêm nhiều đổi mới sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, rõ ràng, việc sớm đưa ra cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn rút ngắn thời gian xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, khi có văn bản pháp lý quy định về việc thử nghiệm các dịch vụ tài chính mới thì các công ty Fintech và ngân hàng ở Việt Nam sẽ nâng cao được sức cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài.
Ví dụ, tại Singapore, tùy thuộc vào dịch vụ tài chính được đăng ký thử nghiệm, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore) sẽ xác định những yêu cầu pháp lý riêng cho từng trường hợp. Các yêu cầu mà cơ quan này đưa ra trong suốt thời gian thử nghiệm sẽ bao gồm yêu cầu bắt buộc và yêu cầu khác tùy trường hợp. Yêu cầu bắt buộc liên quan đến bảo mật thông tin khách hàng, quản lý tiền của khách hàng qua các trung gian tài chính, ngăn chặn việc rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các yêu cầu khác liên quan đến việc quản trị rủi ro của dịch vụ đăng ký thử nghiệm.
“Mục tiêu của việc xây dựng cơ chế thử nghiệm là làm sao chính sách đề ra tạo được sân chơi bình đẳng, tạo được hệ sinh thái phù hợp để hỗ trợ các doang nghiệp phát triển”, ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Tú đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các dự án, đề án tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện hoạt động cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời đại cách mạng 4.0, đặc biệt là các quy định về bảo mật, chia sẻ thông tin, sớm đưa vào vận hành dự án Cơ sở dữ liệu công dân quốc gia… Đây là những điều kiện tiền đề để các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động ngân hàng số.
“Muốn áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ như điện, y tế, giao thông..., cơ quan quản lý cần cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống giao tiếp lập trình ứng dụng mở (Open API) liên thông với những bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin khách hàng, tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt. Điều này chỉ có thể làm được nếu có sự vào cuộc của tất cả thành phần liên quan”, ông Hưng nói.
LS. Nguyễn Thành Nam, Công ty Luật Gattaca cùng cộng sự cho rằng, một nền kinh tế mạnh luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Để có thể thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt và bắt kịp xu hướng thanh toán trên thế giới, hoàn thiện khung pháp lý là công việc quan trọng và cần thực hiện thường xuyên.
"Chỉ khi nào cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được thuận tiện, an toàn, bảo đảm quyền lợi theo quy định pháp luật, thì hình thức này mới trở thành trở thành hình thức thanh toán tất yếu, không thể thiếu được trong các giao dịch thanh toán”, luật sư Nam cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận