menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Nợ xấu ngân hàng có dấu hiệu tăng

Trước làn sóng Covid-19 thứ tư đang tác động mạnh đến doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, nợ xấu có khả năng gia tăng dù vẫn trong tầm kiểm soát.

Dấu hiệu tăng nợ xấu

Tính đến hết quý II/2021, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức 1,38%, tăng so với đầu năm nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%. Theo kế hoạch đến hết quý IV/2021, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này sẽ ở mức 1 - 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu là 180%.

Tương tự, tại Vietcombank, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 31%, với 8.353 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2021. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng tác động lên chất lượng tài sản của ngân hàng này. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,6% hồi đầu năm, lên mức 0,91% vào cuối quý II/2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 380% vào cuối năm 2020, xuống còn 280% vào cuối quý II/2021.

Tuy nhiên, các ngân hàng đạt kết quả lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn, Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm. VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay là 16.800 tỷ đồng, nhưng trong 6 tháng đã đạt mức lãi trước thuế khoảng 13.000 tỷ, hoàn thành 3/4 chặng đường cả năm.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), ACB mới đây đã tiết lộ một số thông tin quan trọng trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2021 đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và thực hiện 60,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, chi phí dự phòng của ACB trong 6 tháng tăng lên 2.000 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2020 và được giải thích là do ACB quyết định trích lập đầy đủ 1.400 tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu, thay vì phân bổ trong 3 năm.

Sớm luật hóa công tác xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Nợ xấu hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng lên khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng và cả đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo, nợ xấu có nguy cơ bùng phát trở lại do đại dịch Covid-19. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là cần sớm luật hóa công tác xử lý “cục máu đông” nợ xấu.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, qua theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng mạnh so với năm trước, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019… Do đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định, nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung…

Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.

Theo ông Hùng, khi ban hành Thông tư 03, NHNN hẳn cũng không lường trước được làn sóng Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay. NHNN tính toán doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến của đại dịch khó lường như hiện nay, cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp với diễn biến mới.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, dù Thông tư 03 cho phép ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay, song không vì thế mà gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu vơi đi. Với Thông tư 03, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng của Covid-19 trong thời gian dài hơn. Việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ chất lượng dư nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Ông Hiếu cho biết, nhiều ngân hàng vẫn đang chủ động trích lập, tăng “bộ đệm” rủi ro bằng cách nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh, ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại