Nợ xấu leo đỉnh
Hàng loạt khoản vay của nhiều doanh nghiệp lớn ngấp nghé bị nhảy nhóm nợ khiến rủi ro nợ xấu phình to và có thể tái lập đỉnh.
Mới đây, một ngân hàng thương mại đã quyết định chuyển toàn bộ dư nợ hơn 3.000 tỉ đồng của một doanh nghiệp bất động sản xuống nhóm 3, tức nhóm nợ xấu và trích lập dự phòng 20%. Có thể thấy với quy mô tín dụng chảy vào bất động sản hơn 21% GDP, nếu không thận trọng, chỉ cần một tỉ lệ nhỏ trong dư nợ đó chuyển thành nợ xấu, tỉ lệ NPL (non-performing loan ratio) toàn hệ thống có thể sẽ quay trở lại mức đỉnh như giai đoạn khủng hoảng 2011-2012.
Nợ xấu chuyển màu
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là một trong những vấn đề được cổ đông của các ngân hàng đặc biệt quan tâm. Hiện tại, kế hoạch tăng trưởng được các ngân hàng đề ra thấp hơn so với mức tăng trưởng năm ngoái. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, năm nay, tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn các năm trước, vì môi trường kinh doanh không thuận lợi. Ông Nguyễn Hữu Trung, quyền Tổng Giám đốc VietBank, cũng nhận định, năm nay, chính sách tiền tệ và hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp nhiều áp lực. Xu hướng này dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán...) sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023.
Trong bối cảnh này, xu hướng tăng mạnh nợ xấu đang diễn ra ở khá nhiều ngân hàng. Cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỉ đồng, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Quy mô nợ xấu tại BIDV ghi nhận hơn 17.600 tỉ đồng, tăng gần 4.300 tỉ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng từ 7.283 tỉ đồng lên 11.760 tỉ đồng, tương đương tăng vọt 61,4%.
Áp lực quản lý rủi ro mất vốn đến từ lượng lớn doanh nghiệp sản xuất phải giảm công suất hoạt động, đóng cửa vì nhu cầu tiêu thụ yếu cả trong và ngoài nước, điển hình như ở ngành thép, gỗ, thực phẩm và đồ uống. Thách thức xử lý nợ còn đến từ hàng loạt resort, condotel, khách sạn 3-5 sao và hàng không kinh doanh thua lỗ từ đại dịch đến nay. Đáng chú ý, nợ xấu ở mảng cho vay tiêu dùng đang có dấu hiệu tăng nóng ngoài mức kiểm soát. Ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy FE Credit lỗ ròng 3.121 tỉ đồng trong năm 2022, do nợ xấu tăng nhanh. Tỉ lệ nợ xấu tại quý IV/2022 lên đến 21,8%, tăng mạnh so với mức 14,1% cuối năm 2021 và là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Theo VCBS, số dư cho vay của FE Credit đã mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE Credit cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục hơn so với các công ty tài chính khác. Nợ xấu từ FE Credit khiến tỉ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tăng mạnh lên mức 5,7% (tăng 126 điểm cơ bản so với năm trước).
Áp lực cân đối thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng khá căng khi tín dụng thời gian qua đã tăng quá nhanh so với tiền gửi. Kết quả là khi lãi suất huy động tại một số ngân hàng hơn 8% cho kỳ hạn 1 năm, kéo theo lãi cho vay nhà hơn 12% - mức quá cao so với nhiều người. “Có thể sẽ khó khăn để lãi suất tiền gửi giảm mạnh trong năm 2023 do tăng trưởng tín dụng đã vượt quá tốc độ tăng tiền gửi khoảng 3% trong 3 năm qua. Điều này khiến tỉ lệ LDR (tỉ lệ cho vay trên tiền gửi) gần 100% vào cuối năm 2022”, báo cáo của VinaCapital nhận định.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset ước tính tỉ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) có xu hướng tăng. Tỉ lệ NPL trung bình cuối năm 2022 của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh lên mức 2,5%, tăng 80 điểm cơ bản. Các ngân hàng chứng kiến nợ xấu gia tăng đột biến là Ngân hàng Quốc Dân, VietBank, VPBank và Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Nợ xấu tăng cao một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến ảnh hưởng của đại dịch. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình dự kiến tăng thêm 110 điểm cơ bản lên mức 3,3% vào cuối năm nay.
Nhiều ngân hàng hiện nay đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB với bộ đệm dự phòng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 quy mô nợ xấu nội bảng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực để chống chọi với rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng, sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng rủi ro và làm hao mòn lợi nhuận trong năm 2023, từ đó có thể tạo áp lực lên thanh khoản của ngân hàng đó.
Các ngân hàng cũng là những người tham gia vào thị trường trái phiếu sôi động nhất. Chỉ cần chủ đầu tư không trả được một lô trái phiếu đến hạn sẽ kéo theo toàn bộ dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng có thể chuyển sang nợ xấu. May mắn cho các chủ đầu tư là Nghị định 08/2023 cho phép các tổ chức phát hành đàm phán với trái chủ để kéo dài thời gian đáo hạn thêm 2 năm.
Dù vậy, mặt bằng lãi suất cơ bản đang tăng khắp nơi khiến cho giá trái phiếu rớt thảm hại. Tại Mỹ, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) mới đây sụp đổ vì khối tài sản liên quan đến trái phiếu. Nhưng theo các chuyên gia, gốc rễ của sự sụp đổ này đã tích tụ từ vài năm trước. Giống như nhiều ngân hàng khác, SVB đã đầu tư hàng tỉ USD vào trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0. Điều tưởng chừng như là một thương vụ đầu tư an toàn đã nhanh chóng thất bại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát.
Lãi suất tăng vọt đã làm xói mòn giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của SVB. Ngoài ra, Ngân hàng cũng chủ yếu hoạt động trong các ngành dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn như tiền ảo, startup và đầu tư mạo hiểm. Không cân đối được kỳ hạn tài sản - nợ đã dẫn đến khủng hoảng mất thanh khoản của SVB. Bài học sụp đổ nhanh chóng của ngân hàng này là hồi chuông báo động cho các ngân hàng khác trong môi trường lãi suất không ngừng tăng. Ở đó, các ngân hàng nhỏ, với chất lượng tài sản suy giảm nhanh chóng và không đa dạng hóa rủi ro, đang chịu áp lực lớn nhất.
Vòng xoáy lên đỉnh
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, phân tích, tỉ lệ nợ xấu ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát (nợ xấu nội bảng 2%, nợ xấu gộp 3,5%). Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu đại dịch, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái nhẹ và mặt bằng tỉ giá cao, nghĩa vụ trả nợ tăng..., doanh nghiệp ở một số lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó đẩy cao nợ xấu.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, dự báo nửa đầu năm 2023 sẽ có những khó khăn, trong đó thị trường bất động sản và một số lĩnh vực liên quan vẫn đình đốn có thể khiến tình hình nợ xấu tồi tệ hơn. Các ngân hàng cần tiếp tục quản trị rủi ro một cách chặt chẽ để nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.
Nợ xấu gia tăng có thể kéo lùi cơ hội nâng độ tín nhiệm của hệ thống ngân hàng. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s gần đây đã hạ triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “tích cực” xuống “ổn định” khi nhận thấy rủi ro lớn hơn trong lĩnh vực bất động sản và khả năng sinh lời giảm. “Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng Việt Nam và rủi ro bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản”, bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết.
Nhìn lại bài học giai đoạn 2011-2012, lãi suất cho vay tăng vọt hơn 22% khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đóng cửa hàng loạt. Tỉ lệ nợ xấu khi đó được Ngân hàng Nhà nước thừa nhận sau này lên tới 17,21%, đưa đến yêu cầu phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên diện rộng. Với mặt bằng lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng đang phổ biến ở mức 13-15% hiện nay, tuy chưa cao như giai đoạn trước nhưng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu cảm thấy khó thở do đầu ra khó khăn và người tiêu dùng có động thái thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh vĩ mô biến động.
Bóng ma nợ xấu càng khiến các định chế tài chính có xu thế giữ biên lãi ròng (NIM) cao để tạo nguồn xử lý nợ xấu. Tỉ lệ NIM thực tế ở Việt Nam đã cao hơn nhiều so với khu vực. Tính toán của VNDirect cho thấy NIM bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước vào khoảng 3,2-3,4%, khá cao so với các khu vực như Thái Lan (2,7-3%), Malaysia (2-2,3%), Trung Quốc (2%), Singapore (1,6%). Nhưng rõ ràng, doanh nghiệp vay vốn sẽ chịu chi phí này và lại phần nào bào mòn năng lực cạnh tranh của họ.
Trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng vào năm 2023, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm ngoái. Theo các nhà phân tích, việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong những năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ.
Giống như giai đoạn 2011-2012, bất động sản lại trở thành bóng ma ám ảnh ngân hàng. Lãi suất tăng đột ngột năm qua khiến các khoản vay mua bất động sản sẽ trở nên khó khăn hơn để trả nợ. Thanh khoản thị trường giảm sút nhanh chóng khiến cho sức khỏe tài chính của chủ đầu tư suy yếu. Điều này lại dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất hay cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Từ đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.
Việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng còn là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới. Có ngân hàng còn có hiện tượng tập trung tín dụng vào số ít khách hàng. Sự thiếu sót hay quá dễ dàng trong việc cấp tín dụng các năm trước có thể làm gia tăng thực trạng nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Đơn cử như Fitch Ratings mới đây điều chỉnh giảm triển vọng xếp hạng của Công ty Bất động sản BIM Land xuống “tiêu cực” cho hạng mục IDR. Triển vọng tiêu cực này phản ánh khả năng thu tiền mặt từ việc bán bất động sản bị suy yếu và dòng tiền tự do âm, điều có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của BIM Land và gây áp lực thanh khoản. Ngoài ra, những hạn chế về quy định liên quan đến tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản và việc xử lý những sai phạm xung quanh việc phát hành trái phiếu đã làm suy yếu tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với bất động sản nhà.
“Nếu thị trường bất động sản phục hồi sẽ góp phần hạn chế nợ xấu nhưng quan trọng là phải có thị trường mua bán nợ để thu hút nhiều thành phần tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, nhận xét.
Thực tế, triển vọng thị trường bất động sản năm 2023 chưa thật sự sáng mặc dù Chính phủ liên tiếp tung ra các đòn hỗ trợ. “Thị trường có rất nhiều thứ là phải sửa đổi. Trong đó, chắc chắn sẽ có rất nhiều người phải chấp nhận lỗ tại thời điểm này”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành của CBRE Việt Nam, nhận định.
Thứ nhất, đứng từ góc độ nhà đầu tư, rõ ràng có những thách thức mà họ đã phải đối mặt nhưng vẫn chưa giải quyết được, ví dụ các vấn đề liên quan tới pháp lý. Số lượng dự án đang đứng lại vì vấn đề pháp lý chưa được giải quyết rất là nhiều. Năm nay, Chính phủ rất quyết tâm và có thể sẽ chứng kiến sự gỡ rối từ từ nhưng không nhanh được. “Có lẽ là phải đợi đến cuối năm 2023, vấn đề về pháp lý sẽ được dần tháo gỡ, nhưng cũng chỉ tháo gỡ cho vài dự án tiêu biểu thôi chứ không phải là toàn bộ thị trường”, bà Dung chia sẻ.
Vấn đề thứ 2 liên quan lệch pha cung cầu, có nghĩa là thị trường đang có nguồn cầu rất cao nhưng nguồn cung lại chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp và hạng sang, tức vượt quá khả năng chi trả của nguồn cầu trên thị trường. Nhà nước đang nỗ lực sửa chữa lại việc này bằng cách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân hay hạn chế tình trạng đầu cơ bằng cách kiến nghị đánh thuế chuyển nhượng, tăng thuế người sở hữu ngôi nhà thứ 2. Những chính sách này được hy vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán lệch pha cung cầu.
Nhưng vấn đề cuối cùng chính là độ mạnh yếu của dòng tiền vào thị trường. Ở đây có cả 2 đối tượng tham gia là các nhà đầu tư thể chế, chủ doanh nghiệp và thứ 2 là người đi mua sản phẩm. Đứng từ góc độ của chủ đầu tư, CBRE thấy rằng cũng có những cái dễ thở hơn, như room tín dụng cho nền kinh tế đang nới lỏng dần.
Lãi suất huy động có dấu hiệu giảm nhiệt sẽ giúp lãi suất thế chấp, mặc dù vẫn rất cao, tại các ngân hàng dần giảm xuống để hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Nhưng vẫn hoàn toàn không đủ. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải tự cứu mình bằng cách chủ động đi tìm nhà đầu tư bên ngoài, không phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng nữa. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư, ví dụ nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, miễn là doanh nghiệp có dòng tiền minh bạch, có những sản phẩm thuyết phục”, bà Dung nói.
Đứng từ phía nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh nhu cầu cần được cung cấp thêm các công cụ tài chính tốt hơn, có thể được tiếp cận tín dụng tốt hơn thì việc phục hồi niềm tin của họ vô cùng quan trọng. Có lẽ nhà đầu tư sẽ chọn gửi tiền vào ngân hàng, cho đến khi họ xác định được thời điểm thị trường quay trở lại. “Chúng tôi nghĩ rằng trong năm 2023 thị trường còn rất nhiều khó khăn. Và phải đợi đến cuối năm khi các chính sách kết hợp của Nhà nước đưa ra phát huy tác dụng và các dự án bắt đầu được triển khai trở lại thì niềm tin của nhà đầu tư cá nhân sẽ quay trở lại. Lúc đó thị trường mới dần hồi phục được”, bà Dung nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận