Nợ xấu lên đến 15%, công ty tài chính giảm 40% dư nợ cho vay
Đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt 955.000 tỷ đồng, chiếm 28,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,8% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng này phù hợp với tình hình hiện nay vì kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động, công nhân giảm nên nhu cầu vay để chi dùng cũng ít hơn.
Trong tín dụng tiêu dùng trên địa bàn, nhu cầu vay để mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM. Đến cuối tháng 10 dư nợ cho vay tiêu dùng theo mục đích này đạt 612.000 tỷ đồng, chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Tín dụng trung dài hạn chiếm 85% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM. Trong đó, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình đạt 343.000 tỷ đồng, chiếm 36%. Trong đó tín dụng cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 99.000 tỷ, tăng 11,6% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng qua thẻ tín dụng đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng 10 tháng đầu năm tăng 25%.
Một số liệu khác từ NHNN cũng cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đang sụt giảm mạnh, khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính còn 134.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15% khiến các công ty tài chính không dám cho vay.
Nguyên nhân khiến dư nợ vay tiêu dùng của các công ty tài chính sụt giảm nghiêm trọng, theo lãnh đạo câu lạc bộ tài chính tiêu dùng là do nạn bùng nợ. Suốt từ đầu năm đến nay, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với vài trăm nghìn thành viên hướng dẫn nhau cách vay rồi "bùng nợ".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận