24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nam Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Không nên quá cứng nhắc

Cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp nợ thuế với số tiền chỉ vài triệu, vài chục triệu đồng...

Như chúng tôi đã đề cập, nhiều cơ quan thuế các tỉnh thành đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2024, thông tin tạm hoãn xuất cảnh nhiều giám đốc doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều. Thậm chí không ít giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế từ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng.

Theo các chuyên gia góp ý, cơ quan thuế cần đảm bảo thông báo cưỡng chế nợ thuế phải có xác nhận đã nhận để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp có giám đốc, người đại diện pháp luật khi bị tạm hoãn xuất cảnh.

Cần xem xét những trường hợp nợ thuế chỉ 1 triệu đồng

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn phân tích: Theo quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.

Trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh thì cơ quan thuế đã có thông báo nợ thuế, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Theo quy định, chỉ cần nợ thuế cho dù số nợ ít hay nhiều vẫn bị tạm hoãn xuất cảnh.

Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Không nên quá cứng nhắc

Các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế, hải quan cần rà soát thông tin lại với những chủ doanh nghiệp nợ số thuế thấp để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ảnh: THU TRINH

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Sơn, cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp doanh nghiệp có số tiền thuế nợ chỉ vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng (số nợ thuế được xem là thấp). Có những trường hợp, giám đốc doanh nghiệp ra tới sân bay rồi mới biết thông tin cá nhân mình bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế dù rất thấp.

“Nếu biết số nợ thuế ít thì các giám đốc chắc chắn sẽ đóng vì so với chi phí và lợi ích của chuyến công tác họ sắp khởi hành là không đáng kể. Do đó, cơ quan thuế cần sàng lọc kỹ những trường hợp này” - ông Sơn góp ý.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc trung tâm trợ giúp pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đánh giá rằng những giám đốc, đại diện của các doanh nghiệp chắc chắn biết quy định nợ thuế ra sao sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Do đó, nếu nợ thuế chỉ với 1 triệu đồng hay vài chục triệu đồng mà bị tạm hoãn xuất cảnh thì chắc chắn họ sẽ tìm cách nộp sớm.

Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Không nên quá cứng nhắc

Những trường hợp doanh nghiệp nợ thuế chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng cần được xem xét lý do vì sao họ không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Ảnh: QH

Theo LS Nghĩa, cơ quan thuế cần rà soát lại những trường hợp nợ thuế ít, từ vài chục triệu đồng trở xuống để xem xét lại doanh nghiệp đã nhận được thông báo cưỡng chế nợ thuế cũng như thông báo tạm hoãn xuất cảnh hay chưa, tránh để doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi không đáng có.

Cần thêm bước xác nhận của doanh nghiệp nợ thuế

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Cục Thuế TP.HCM cho biết những trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế thì trước đó cơ quan thuế đã có thông báo qua email, bưu điện để họ chấp hành nộp thuế. Tuy nhiên, họ không chấp hành nên cơ quan thuế phải gửi thông báo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An), đồng thời gửi cho cả người nộp thuế.

Tuy nhiên để chặt chẽ hơn, ông Dũng cho biết cục sẽ thông báo chỉ đạo các chi cục xem xét chặt chẽ lại quy trình thông báo. Ví dụ gửi thư qua bưu điện phải làm sao có xác nhận của doanh nghiệp là đã nhận thư; hoặc thông báo tạm hoãn xuất cảnh gửi cho giám đốc, đại diện pháp luật doanh nghiệp thì cơ quan thuế sẽ thông tin trên các phương tiện truyền thông, đồng thời đảm bảo cá nhân đó nhận được thông báo trên.

Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Không nên quá cứng nhắc

Cơ quan thuế cần đảm bảo thông báo nợ thuế và tạm hoãn xuất cảnh đến tận tay giám đốc, đại diện pháp luật trước khi họ xuất cảnh. Ảnh: QH

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, đúng theo Luật quản lý thuế thì không quy định mức nợ thuế, người nợ thuế vài trăm ngàn hay vài tỉ đều là nợ thuế.

Tuy nhiên, những trường hợp nợ thuế thấp từ vài chục triệu đồng trở xuống thì cần làm rõ vì sao họ chưa đóng hay họ không nhận được các thông báo. Cơ quan thuế làm đúng quy định nhưng không nên quá cứng nhắc.

Ví dụ, cán bộ thuế phụ trách địa bàn đó phải trao đổi với giám đốc công ty nợ thuế, thông báo rõ ràng nếu không thực hiện đóng khoản thuế đang nợ sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Nếu không gửi thư, email được thì có thể nhờ sự hỗ trợ từ phường, xã… Mục đích cuối cùng là xác nhận rõ giám đốc, đại diện pháp luật doanh nghiệp nhận được thông báo của cơ quan thuế, hải quan.

Số lượng nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất nhiều

Mới đây, Bộ Tài chính đã có thông báo đề cập tới kiến nghị thay đổi quy định về cấm xuất cảnh vì nợ thuế.

Bộ Tài chính nêu rõ, Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.

Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.

Nợ thuế vài trăm ngàn bị cấm xuất cảnh: Không nên quá cứng nhắc

Theo Bộ Tài chính số lượng người nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn. Ảnh: QH

Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Theo đó, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Ngoài ra, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế.

Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả