Nợ thuế leo thang, cơ quan thuế, hải quan thu hồi nợ đọng gần 47.000 tỷ đồng năm 2023
Năm 2023, cơ quan thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm ngoái. Còn ngành hải quan thu hồi và xử lý nợ đạt 905,8 tỷ đồng sau 11 tháng của năm 2023...
Tiền thuế nợ tăng so với cuối năm 2022 do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tài sản đã thế chấp nên khi cưỡng chế thì chưa thu hồi được.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% (tương đương 131,75 nghìn tỷ đồng) so với dự toán.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, cùng với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng, hạn chế phát sinh nợ mới.
"Tính đến cuối năm 2023, số tiền thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính là 163.866 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm ngày 30/11/2023 và tăng 10,9% so với thời điểm ngày 31/12/2022".
Bộ Tài chính.
Theo đó, đối với ngành thuế, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu nợ, xử lý nợ thuế; giao chỉ tiêu thu nợ, chuẩn hóa dữ liệu nợ; tập trung rà soát, phân tích, xác định rõ nguyên nhân đối với từng khoản nợ, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng nợ; đẩy mạnh điện tử hóa việc ban hành thông báo nợ thuế.
“Đồng thời, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Bên cạnh đó, ngành thuế tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế cho công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế kết hợp với học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Một số cục thuế làm tốt công tác thu hồi nợ thuế như: Hải Phòng, Quảng Nam, Hậu Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Vũng Tàu...
Theo lý giải của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ tăng so với thời điểm 31/12/2022 một phần do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi thực hiện cưỡng chế thì chưa thu hồi được; một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền thuế nợ khó thu.
Cùng với khó khăn chung của thị trường vốn đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao.
Về kết quả xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14, Bộ Tài chính cho biết từ khi Nghị quyết có hiệu lực (01/7/2020) đến 30/6/2023, kết quả xử lý nợ thuế ước đạt 34.692 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế là 25.990 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 8.702 tỷ đồng.
Còn đối với ngành hải quan, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu tối thiểu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn năm 2023 cho từng đơn vị để đảm bảo công tác thu hồi và xử lý nợ thuế đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra. Tổng cục Hải quan cũng tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, tập huấn các quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố nhằm tháo gỡ vướng mắc của các cục hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp nợ, tình trạng thực tế của doanh nghiệp, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.
Lũy kế số thu hồi và xử lý nợ 11 tháng của năm 2023 đạt 905,8 tỷ đồng. Một số cục hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế tốt như Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (683 tỷ đồng), Cục Hải quan TP. Hà Nội (74 tỷ đồng), Cục Hải quan Bình Dương (36 tỷ đồng), Cục Hải quan Tây Ninh (29 tỷ đồng), Cục Hải quan Lạng Sơn (15 tỷ đồng).
Để ngăn chặn việc gia tăng nợ đọng, ngành hải quan sẽ áp dụng những chế tài mạnh hơn, sẽ siết chặt quy định quản lý nợ thuế, quy trình khoanh nợ, xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.
Trong đó, cơ quan hải quan các cấp đang áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế như trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản. Thậm chí, khi doanh nghiệp nợ trên 121 ngày, cơ quan hải quan sử dụng biện pháp “bêu” tên, dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, gửi thông báo tới cơ quan công an đề nghị cấm xuất cảnh đối với giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế kéo dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận