Nợ tái cơ cấu của các ngân hàng đang ra sao?
Dư nợ tái cơ cấu đã có diễn biến tích cực khi nền kinh tế phục hồi từ đầu năm. Nhiều nhà băng ghi nhận nợ tái cơ cấu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tại ngân hàng Techcombank (Mã: TCB), dư nợ tái cơ cấu đã giảm mạnh từ 1.900 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn 500 tỷ vào cuối quý 2/2022. Theo đó, nợ tái cơ cấu trên tổng cho vay của Techcombank giảm mạnh từ 0,5% xuống 0,1%.
Ngân hàng VIB, dư nợ tái cơ cấu ở mức rất thấp, đã giảm mạnh từ 1.889 tỷ đồng (quý 3/2021) xuống 1.054 tỷ đồng (quý 4/2021) và chỉ còn 666 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022. Nợ tái cơ cấu của nhà băng này chỉ còn chiếm 0,3% trong tổng dư nợ cho vay, giảm mạnh so với mức 1% hồi quý 3/2021.
Đây cũng là điểm khác biệt của VIB khi phần lớn những ngân hàng có tỷ trọng lớn cho vay bán lẻ vẫn còn dư nợ tái cơ cấu khá nhiều ở cuối quý 2/2022. Tại ngày 30/6/2022, tỷ lệ nợ xấu của VIB là 1,7%.
Ngân hàng ACB ghi nhận dư nợ tái cơ cấu giảm 25% trong 6 tháng đầu năm xuống 13.000 tỷ đồng vào cuối quý 2/2022, chiếm khoảng 3% trong tổng danh mục cho vay. Dù số dư nợ tái cơ cấu còn khá lớn nhưng đã có chuyển biến tích cực, và hơn nữa ACB vẫn đang là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản hàng đầu hệ thống khi tỷ lệ nợ xấu liên tục duy trì dưới 1% nhiều năm qua và cuối quý 2/2022 chỉ ở mức 0,8%, là một trong 3 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Ngoài ra, trong giai đoạn thực hiện cơ cấu nợ, các ngân hàng cũng đã tăng trích lập dự phòng và hầu hết đã trích lập 100% cho các khoản vay tái cơ cấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều nhà băng đã lên mức rất cao.
Có thể kể đến như, Vietcombank thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6/2022, cũng là mức cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay. Ngoài ra, nhiều nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% như BIDV (279%), MB (271%), VietinBank (189%), ACB (185%),…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận