24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Văn Nhuệ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nở rộ dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân

Rút ra bài học từ việc mang nợ, phải bán nhà, bán xe vì đầu tư chứng khoán theo hội nhóm những năm trước, không ít nhà đầu tư bắt đầu tìm đến dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chuyên nghiệp.

Miếng bánh còn tiềm năng

Dịch vụ quản lý tài sản cá nhân đã phát triển ở nước ta 5 năm qua. Chỉ tính riêng tại các quỹ đầu tư, tổng tài sản quản lý giai đoạn 2017 - 2022 tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt 23,25 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương ứng 2,44% GDP. Con số này còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và còn dư địa tăng trưởng rất lớn.

Báo cáo từ Allied Market Research dự đoán, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 31,6% ở giai đoạn 2021-2030, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh sự phát triển về số lượng các công ty quản lý quỹ lớn như Vina Capital, Dragon Capital…, các công ty chứng khoán như TCBS, VCBS, SSIAM, HSC, VNDirect... đã và đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản, phát triển mô hình tư vấn, cung cấp các giải pháp đầu tư đa dạng, được cá nhân hóa.

Theo TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho sự phát triển của dịch vụ quản lý tài chính cá nhân. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh (tăng hơn 10%/năm), triển vọng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, GDP/đầu người khoảng 4.000 USD… khiến dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân (đầu tư, tích lũy, bảo vệ tài chính cá nhân) sẽ nở rộ.

Dù phát triển nhanh về cả số lượng sản phẩm và tổng tài sản quản lý, song dễ dàng nhìn thấy, thị trường quản lý tài sản cá nhân của Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai. Các sản phẩm chủ yếu tập trung vào thị trường vốn (đặc biệt là thị trường cổ phiếu) và mới phục vụ một nhóm khách hàng nhỏ.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài chính cá nhân ở Việt Nam chủ yếu là ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư… Mặc dù có tính chuyên nghiệp cao, song mục đích chính của họ là “bán” sản phẩm của mình. Theo đó, thay vì đưa ra khuyến nghị toàn diện, công tâm cho nhà đầu tư, họ có xu hướng bán sản phẩm của mình, làm mất đi bản chất của dịch vụ tư vấn quản lý tài chính cá nhân đúng nghĩa.

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các đơn vị tư vấn độc lập. Nhưng trong bối cảnh các công ty tư vấn tài chính nở rộ, nhà đầu tư cũng phải có “bí kíp” lựa chọn đơn vị tư vấn, chuyên viên tư vấn tài chính phù hợp, an toàn, hiệu quả.

Phát triển mô hình tư vấn tài chính độc lập

Ông Lương Minh Hải, một cố vấn tài chính cho hay, thị trường tài chính ở Việt Nam phát triển như vũ bão thời gian qua khiến nhu cầu về ngành này tăng chóng mặt. Chỉ riêng với chứng khoán, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tính tới cuối tháng 6/2023, tổng số tài khoản chứng khoán đạt gần 7,6 triệu, tăng 416.060 tài khoản so với đầu tháng, lượng mở mới cao gấp 4 lần tháng trước.

“Sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân cho thấy tiềm năng phát triển của dịch vụ quản lý tài sản cá nhân. Thực tế, các dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng để tìm được một người tư vấn thực sự có kiến thức, có tâm với nghề, với khách hàng là rất khó. Thậm chí, không ít người lợi dụng nghề này để có hành vi lừa đảo, trục lợi do sự thiếu hiểu biết về tài chính của người dân”, ông Hải cho hay.

Đáng mừng là, hiểu biết của nhà đầu tư về các kênh đầu tư đã tăng lên. Đặc biệt, sự hình thành Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của mình. Từ chỗ có vài chục ngàn người tham gia, cộng đồng này hiện có gần 230.000 thành viên, trong đó có nhiều người là các cố vấn tài chính có uy tín, các giám đốc quản lý quỹ, giám đốc công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm…

Theo TS. Lê Minh Nghĩa, khi lựa chọn nhân viên tư vấn tài chính, trước hết, nhà đầu tư phải xác định được mục tiêu tài chính của mình, tiếp theo là kiểm tra chất lượng cố vấn tài chính qua việc tìm hiểu quá trình học tập, công tác, trình độ chuyên môn và công việc của nhân viên tư vấn tài chính, kiểm tra tính xác thực về bằng cấp và tìm hiểu những kế hoạch tài chính họ từng thực hiện… “Tại Mỹ, 70% thị phần tư vấn tài chính thuộc về các công ty tư vấn độc lập và Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng này”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho hay, hiện các đơn vị quản lý tài sản ở Việt Nam chỉ tập trung vào một số kênh đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, tiền gửi… và sản phẩm còn rất đơn giản. Các đơn vị này chỉ cung cấp dịch vụ quản lý một tài sản cụ thể, do đó có xu hướng khuyên nhà đầu tư rót tiền vào tài sản đó, bỏ qua việc quản trị danh mục đầu tư toàn diện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả