Nở rộ các nền tảng cho tiểu thương vay
Tận dụng thời cơ cần vốn để bung sức sau dịch, các nền tảng số đua tung ra dịch vụ cho vay với tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ.
Bonbon shop - một ứng dụng đã kết nối hơn 24 nhà sản xuất với 35.000 điểm bán lẻ trên cả nước - vừa có thêm dịch vụ cung cấp khoản vay tối đa hơn 200 triệu đồng - để các tiểu thương sử dụng nền tảng này nhập hàng.
Đứng sau dịch vụ cho vay này là cú bắt tay của DMSpro (chủ ứng dụng) cùng ví điện tử SmartPay và VPBank. Theo đó, nguồn vốn cho tiểu thương được cấp bởi VPBank Commcredit, triển khai thông qua giải pháp công nghệ thanh toán của SmartPay.
Gần đây, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVFinance) tung ra nhiều sản phẩm cho vay kinh doanh lên đến 500 triệu đồng, có thể giải ngân trong vòng 8 giờ với thời hạn vay 36 tháng.
Các nền tảng tài chính số từ nước ngoài cũng nhộn nhịp vào Việt Nam nửa đầu năm và thường tuyên bố là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hồi tháng 1, fintech Validus của Singapore thâm nhập Việt Nam bằng cách thành lập liên doanh cùng với TTC Group và Do Ventures.
Thời điểm đó, ông Nikhilesh Goel, Đồng sáng lập kiêm CEO của Validus, cho biết nền tảng này ra "quyết định dựa trên dữ liệu và các mô hình chấm điểm tín dụng ưu việt". Đến tháng 3, họ bổ nhiệm ông Đinh Văn Bình, nguyên Phó chủ tịch điều hành Công ty đầu tư Sacombank làm CEO Validus Việt Nam.
Cũng trong tháng đó, Funding Societies công bố sự hiện diện bằng cách cung cấp khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp từ Singapore (offshore B2B lending). Từ tháng 12/2021, họ đã thử nghiệm cho vay ở Việt Nam và giải ngân được 20 triệu USD. Công ty đặt mục tiêu giải ngân hơn 90 triệu USD trong năm nay và đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Hoàng Thế Hưng, Phó tổng giám đốc EVFinance nhìn nhận, thị trường cho vay với hộ kinh doanh chắc chắn sẽ trở thành cuộc đua của nhiều tổ chức tài chính.
Theo lãnh đạo các nền tảng, các nhà bán hàng nhỏ lẻ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. "Chính vào thời điểm này, chúng ta nên thay đổi, cần số hóa hơn để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ", ông Marek Eugene Forysiak, Chủ tịch SmartPay, nói.
Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank hứa hẹn các tiểu thương sẽ nhận các gói "lãi suất hấp dẫn - thủ tục nhanh". "Room tín dụng là thách thức chung toàn ngành nhưng giá trị các khoản vay của Commcredit nhỏ nên chúng tôi ưu tiên, không bị ảnh hưởng hay ngừng giải ngân", ông Khương nói.
Sự nở rộ của cho vay từ các nền tảng trong và ngoài nước không chỉ nhờ quá trình chuyển đổi số được tăng tốc từ khi có dịch mà nhu cầu vay của các hộ kinh doanh và SME tại Việt Nam đang rất cao, trong khi các ngân hàng truyền thống chưa đáp ứng hết.
Theo tính toán của Funding Societies, thị trường Việt Nam đang có đến 58 tỷ USD khoảng trống về tài trợ vốn cho SME. Theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống tài trợ vốn là sự thiếu hụt nguồn vốn tài trợ mà doanh nghiệp gặp phải do những vấn đến liên quan đến thủ tục, quy trình.
Thực tế, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chỉ ra 46,85% doanh nghiệp gặp trở ngại trong tiếp cận kênh ngân hàng truyền thống, cao hơn tỷ lệ của năm 2020 là 40,73%.
Do đó, họ phải tìm kiếm các nguồn vốn khác như quỹ tín dụng nhân dân (11%); bạn bè hoặc người thân (51%); đóng góp từ các cổ đông, vay từ các doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản (18%). Thậm chí, gần 4% đi vay từ nguồn "tín dụng đen", với lãi suất trung bình hơn 60% mỗi năm.
Dù xoay đủ đường, Funding Societies ước tính các SME chưa được phục vụ tại Việt Nam đang có nhu cầu vay tổng cộng 65,68 tỷ USD. Validus cũng thấy tiềm năng to lớn này. "Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng chính và chúng tôi không ngừng đầu tư để tăng cường sự hiện diện", ôngVishal Shah, Chủ tịch các thị trường mới nổi của Validus, nói hồi tháng 3.
Giai đoạn nền kinh tế trở lại bình thường sau dịch càng thúc đẩy nhu cầu vốn của các hộ kinh doanh, công ty nhỏ nhằm bung sức tìm kiếm sự phục hồi. Ông Phùng Duy Khương cho hay VPBank Commcredit từng tăng trưởng rất tốt trước dịch, với dư nợ tín chấp khoảng 7.000 tỷ đồng trên tổng số khoảng 15.000 tỷ đồng dư nợ tín chấp của ngân hàng.
Tuy nhiên, hai năm qua, dư nợ cho vay giảm mạnh do nhu cầu của hộ kinh doanh giảm và sự kiểm soát tín dụng. Tình hình thay đổi từ 2022. "Sáu tháng qua, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại, Commcredit cũng đã hồi phục sự tăng trưởng và hy vọng thời gian tới phát triển tốt hơn", ông Khương nói.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với nửa đầu năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Để tiếp tục hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận