Nợ quốc gia của Mỹ phá kỷ lục, vượt mốc 36 nghìn tỷ USD
Nợ quốc gia của Mỹ đạt đến "cột mốc đáng báo động", lập kỷ lục mới với mức 36 nghìn tỷ USD.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ quốc gia của nước này vượt mốc 36 nghìn tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong lịch sử và trở thành khoản nợ quốc gia lớn nhất thế giới tính theo giá trị danh nghĩa.
Nợ quốc gia của Mỹ là số tiền mà chính quyền liên bang nợ chủ nợ. Chủ nợ có thể là cá nhân như công dân Mỹ hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhỏ cũng như tiểu bang và quỹ tài trợ lớn.
Nợ quốc gia được chia thành hai phần: nợ nội bộ chính phủ và nợ công. Nợ nội bộ chính phủ là nợ của nhiều cơ quan chính phủ khác nhau, trong đó có các khoản như quỹ hưu trí. Khoản nợ nội bộ chiếm khoảng 20% tổng nợ và tính đến ngày 21/11 khoản nợ đạt 7,3 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, nợ công là khoản nợ của thực thể tư nhân, cá nhân và quốc gia nước ngoài. Phần nợ này chiếm 80% còn lại của nợ, tương đương 28,7 nghìn tỷ USD tính đến ngày 21/11.
Vào ngày 3/1, nợ quốc gia của Mỹ vượt quá 34 nghìn tỷ USD lần đầu tiên. Về mặt danh nghĩa, nợ quốc gia của Mỹ là lớn nhất thế giới.
Nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần cam kết giảm nợ trong chiến dịch tranh cử vào năm 2016.
Thời điểm ông Donald Trump rời nhiệm sở, khoản nợ tăng từ 8,4 nghìn tỷ USD lên 27,7 nghìn tỷ USD, hơn một nửa số tiền vay liên quan đến phục vụ cho các chi phí liên quan đến chống dịch COVID-19. Xu hướng này tiếp tục duy trí đến thời ông Joe Biden.
Mặc dù lãi suất vay có chậm lại đôi chút trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông Joe Biden so với thời ông Donald Trump, song hiện đã tăng tốc, với việc Mỹ tăng thêm 1 nghìn tỷ USD nợ chỉ trong năm nay.
Hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích gay gắt "sự mất cân bằng" dai dẳng của chính sách tài khóa Mỹ, gọi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Washington là "rủi ro ngày càng tăng" đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
"Những khoản thâm hụt và nợ cao như vậy tạo ra rủi ro ngày càng tăng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, có khả năng dẫn đến chi phí tài chính tài chính cao hơn và rủi ro ngày càng tăng đối với các nghĩa vụ đáo hạn", IMF cho biết, đồng thời nhấn mạnh "những khoản thâm hụt tài khóa kinh niên này đại diện cho sự mất cân bằng chính sách đáng kể và dai dẳng cần được giải quyết khẩn cấp".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận