Nợ phục vụ phát triển bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
Tổng giá trị phát hành nợ xanh, xã hội và bền vững (green, social, and sustainability - GSS) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD năm ngoái.
Số nợ này theo báo cáo của Climate Bonds và HSBC gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020.
Tính trong 6 nước Đông Nam Á, quy mô nợ GSS của Việt Nam năm qua đứng trên Philippines (0,9 tỷ USD), nhưng thấp hơn Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore. Trong đó, Singapore dẫn đầu khu vực với tổng quy mô nợ GSS năm ngoái đạt 13,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, Việt Nam có quy mô nợ xanh năm ngoái lớn thứ hai khu vực, đạt một tỷ USD, chỉ sau Singapore. Phần lớn nợ xanh Việt Nam thuộc lĩnh vực giao thông và năng lượng. Nợ xanh là nợ được các nhà cho vay dán nhãn xanh (Green-labelled), bao gồm trái phiếu xanh và khoản vay xanh, hiện là công cụ tài chính bền vững phổ biến nhất trên thị trường nợ GSS.
Theo báo cáo này, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2021 với lượng phát hành nợ GSS cao kỷ lục đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020. Cùng với đó, nợ liên kết bền vững (sustainability-linked) đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.
Thị trường nợ bền vững tăng trưởng nhờ những bước tiến về chính sách. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cùng có mục tiêu trung hòa carbon vào 2050. Riêng Malaysia còn thêm cam kết ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới. Indonesia gần đây công bố ý định điều chỉnh lùi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 từ 2070 xuống 2060 hoặc sớm hơn.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN Taxonomy Board đã công bố bản dự thảo Hệ thống phân loại của khu vực vào tháng 11/2021 trong khi nhiều nước thành viên như Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đang đạt được tiến độ nhất định trong việc phát triển hệ thống phân loại quy chuẩn của từng nước.
Theo ông Kelvin Tan, Giám đốc điều hành, Giám đốc Đầu tư & Tài chính Bền vững ASEAN của HSBC, ngày càng nhiều công ty đang lồng ghép rủi ro khí hậu khi xây dựng chiến lược kinh doanh. "Nhu cầu triển khai vốn tài trợ nhằm giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu vẫn còn rất cao", ông nói.
Ông Sean Kidney, Tổng giám đốc Climate Bond Initiative nhận xét một số chính sách trong khu vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của tài chính bền vững và có thể thấy rõ nhận thức về rủi ro khí hậu đã được nâng cao cả từ phía các nhà làm chính sách lẫn nhóm nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành phát thải nhiều và khó thay đổi, cần nhanh chóng chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh", liên quan đến năng lượng, công nghiệp sản xuất nặng và nông nghiệp. "Chúng ta cần hành động nhanh hơn để những khu vực dễ bị tổn thương như ASEAN bớt bị ảnh hưởng trước hậu quả của biến đổi khí hậu", ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận